Giảm 150 tỷ đồng mỗi tháng khi thống nhất 3 lực lượng an ninh cơ sở

Hiện nay, 3 lực lượng gồm bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 11/9, Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự kiến dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tới đây.

Thống nhất 3 lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tại cơ sở

Hiện nay, 3 lực lượng bảo vệ dân phố; dân phòng; công an xã, thị trấn bán chuyên trách là các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Bộ Công an đang xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, tương xứng để tiếp tục tập hợp, huy động, huấn luyện, sử dụng các lực lượng quần chúng tham gia phối hợp với lực lượng công an chính quy, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Công an cho rằng hiện nay việc bố trí 3 lực lượng trên đang có tình trạng không thống nhất. Một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng với tên gọi khác nhau, có tính chất tương đồng, rất khó phân biệt (nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục…), dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn.

[Khai mạc Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]

Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay lực lượng bảo vệ dân phố có tổng số 72.456 thành viên; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên; còn lực lượng công an xã, thị trấn không phải công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người.

Như vậy, số lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ là hơn 741.500 người. Mỗi thành viên được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hằng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Bộ Công an khẳng định việc đề xuất xây dựng, thông qua luật không làm phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách nhà nước, ngược lại còn góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.

Cắt giảm 150 tỷ đồng/tháng

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với dự thảo Luật, bên cạnh đó, xung quanh một số quy định về cơ quan chủ quản; phụ cấp, chế độ chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; hoặc các điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung cụ thể hơn.

Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật nhằm bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

"Cơ sở mà không bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ cần ở đâu đó một đốm lửa nhỏ thì có thể bùng ra, do đó, việc này là hết sức cần thiết...," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về vị trí, vai trò của lực lượng tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đây là lực lượng quần chúng tự nguyện.

Lực lượng này là phối hợp, hỗ trợ Công an xã chính quy thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật, gây rối, mất trật tự-an ninh, an toàn xã hội ở cơ sở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chủ trì phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trong khi đó, 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đưa ra trong dự thảo luật lại là nhiệm vụ của lực lượng Công an xã... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này trong việc tham gia phối hợp với lực lượng công an xã chính quy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu; đồng thời lưu ý cân nhắc thêm về chế độ hỗ trợ hàng tháng; việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; về nơi làm việc cho lực lượng này; đồng thời cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về những nội dung về kinh phí.

Tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh việc sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách bám sát chủ trương không tăng biên chế, không tăng ngân sách và không ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Khi luật này có hiệu lực, việc tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại số lượng người ở dưới cơ sở, tiết kiệm được chi phí.

Giải thích vì sao Chính phủ đánh giá sau khi bố trí, sắp xếp lại 3 lực lượng sẽ giảm khoảng 500.000 người, Đại tướng Tô Lâm cho biết với số đơn vị cấp thôn trên cả nước hiện nay, ngân sách Nhà nước phải chi 600 tỷ đồng/tháng cho gần 2 triệu người thuộc 3 lực lượng theo quy định hiện hành.

Nếu Luật này được thông qua và triển khai, lực lượng chỉ còn khoảng 1,5 triệu người với mức chi vào khoảng 450 tỷ đồng/tháng, tức cắt giảm được 150 tỷ đồng/tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục