Giải trừ vũ khí hạt nhân - Bước đi tất yếu vì hòa bình

Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, song tiến độ thực hiện các thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân hầu như "dậm chân tại chỗ."
Tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Titan II của Mỹ. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Trong bối cảnh đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân là ưu tiên giải trừ vũ khí cao nhất của Liên hợp quốc, Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26/9 hằng năm là dịp để cộng đồng quốc tế tái khẳng định cam kết nỗ lực hành động vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện trên thế giới vẫn còn khoảng 12.100 đầu đạn hạt nhân. Các quốc gia sở hữu những loại vũ khí như vậy đã có kế hoạch dài hạn để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Hơn một nửa dân số thế giới vẫn sống ở các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc là thành viên của các liên minh hạt nhân.

Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, song tiến độ thực hiện các thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa các nước sở hữu hầu như "dậm chân tại chỗ." Ngoài ra, hiện không có cuộc đàm phán nào về giải trừ vũ khí hạt nhân đang diễn ra.

Những công cụ chủ chốt cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là các hiệp ước quốc tế, như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Thực tế là các hiệp ước này đang bị chính các cường quốc hạt nhân quay lưng. Đơn cử như TPNW, tới nay toàn bộ 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều chưa tham gia hiệp ước này.

Học thuyết răn đe hạt nhân vẫn tồn tại như một yếu tố trong chính sách an ninh của tất cả các quốc gia sở hữu và nhiều đồng minh. Ngày 2/8/2019, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, khiến một trong những văn kiện được xem như "chốt chặn" chiến tranh hạt nhân chính thức bị khai tử. Tiếp đó, ngày 21/2/2023, Nga đã tuyên bố sẽ đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Các nhà lãnh đạo G7 cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu chụp ảnh chung tại Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 19/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, phong trào phản đối vũ khí hạt nhân và kêu gọi chính phủ tham gia TPNW phát triển mạnh mẽ.

Tại sự kiện míttinh ngày 6/8/2023 tưởng niệm 78 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, khoảng 1.500 người, bao gồm cả các đại biểu Nhật Bản và nước ngoài, đã thông qua “Thư từ Hiroshima gửi đến tất cả các chính phủ trên thế giới," kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia hành động khẩn cấp để xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Bức thư viết: “Một quả bom nguyên tử duy nhất đã giết chết hàng chục nghìn người dân một cách bừa bãi và biến Hiroshima thành 'địa ngục' trong chớp mắt.

Những hibakusha (nạn nhân vụ ném bom hạt nhân) mặc dù sống sót đã phải chịu hậu quả của bức xạ và sự phân biệt đối xử trong xã hội. Việc sử dụng ngay cả một phần nhỏ kho vũ khí hạt nhân hiện đại ngày nay cũng sẽ dẫn đến sự hủy diệt của nhân loại. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để xóa bỏ mối đe dọa này."

Bức thư nhấn mạnh duy trì học thuyết “Răn đe hạt nhân" chính là "lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân," có thể gây ra những thảm kịch đã xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki và “Thông điệp thực sự từ Hiroshima phải là việc sử dụng và đe dọa vũ khí hạt nhân không được phép và một thế giới không có vũ khí hạt nhân phải được hiện thực hóa ngay lập tức."

Một cuộc khảo sát học thuật được tiến hành năm 2019 cho thấy 75% số người dân Nhật Bản được hỏi tin rằng đất nước họ nên tham gia TPNW. Việc Chính phủ Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng hỗ trợ TPNW đã khiến nhiều người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945 ở Hiroshima và Nagasaki bất bình. Nhiều thành phố của Nhật Bản, bao gồm cả hai thành phố nêu trên, đã kêu gọi chính phủ ký và phê chuẩn TPNW.

Năm 2017, Thị trưởng Nagasaki khi đó là ông Tomihisa Taue đã phát biểu rằng việc thông qua TPNW “sẽ là thời điểm mà mọi nỗ lực của các hibakusha trong nhiều năm cuối cùng đã thành hiện thực." Năm 2019, vào ngày tưởng niệm vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, thị trưởng thành phố lúc đó là ông Kazumi Matsui đã kêu gọi “chính phủ của quốc gia duy nhất phải hứng chịu vũ khí hạt nhân trong chiến tranh chấp thuận yêu cầu của các hibakusha rằng TPNW phải được ký kết và phê chuẩn."

Trong một động thái mới nhất, ngày 23/9, tại New York (Mỹ), Nhật Bản và 11 quốc gia khác trong đó có 3 cường quốc hạt nhân Mỹ, Anh và Pháp - đã nhất trí hợp tác để khởi động ngay các cuộc đàm phán về một hiệp ước được đề xuất cấm sản xuất vật liệu phân hạch, bao gồm uranium và plutonium làm giàu cao, cho vũ khí hạt nhân.

Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, tại New York, Mỹ, ngày 18/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh một Hiệp ước cắt giảm vật liệu phân hạch (FMCT) sẽ đóng góp đáng kể vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Kishida cho rằng cần có một ý chí chính trị mạnh mẽ để bắt đầu các cuộc đàm phán FMCT. Ông cho biết việc tạo động lực để bắt đầu sớm các cuộc đàm phán sẽ giúp duy trì và củng cố chế độ NPT. Năm 2025 sẽ đánh dấu 80 năm kể từ vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki. Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ cử các hibakusha ra nước ngoài để thúc đẩy sự hiểu biết về thực tế của việc tiếp xúc với vũ khí hạt nhân.

Hiroshima và Nagasaki là những bằng chứng thảm khốc về sức mạnh hủy diệt và dai dẳng của vũ khí hạt nhân đối với con người. Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là một bước đi tất yếu để đem lại hòa bình và an ninh cho nhân loại, là lợi ích chung của nhân loại.

Để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân, tất cả các quốc gia cần tham gia vào các cuộc đàm phán chân thành và mang tính xây dựng, thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ cùng những hành động thực chất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục