Lời tòa soạn
Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ học phí trong suốt 2 năm cho học sinh học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng giáo dục nghề nghiệp vẫn không thu hút được người học. Đa số học sinh vẫn muốn học tiếp lên trung học phổ thông. Vì thế, tuyển sinh lớp 10 luôn là kỳ thi căng thẳng với học sinh trong nhiều năm gần đây, khi số lượng chỉ tiêu của các trường trung học phổ thông công lập có hạn, các trường ngoài công lập lại có học phí cao.
Áp lực này càng đặc biệt lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đông dân cư, tốc độ tăng dân cơ học ngày càng cao trong khi số trường lớp không đủ đáp ứng nhu cầu.
Với chỉ tiêu tuyển sinh giảm từ khoảng 60% xuống chỉ còn khoảng 55%, kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay của Hà Nội trở thành kỳ thi áp lực nhất từ trước tới nay. Sức nóng không còn chỉ ở các trường công, để “săn” suất học trường tư cho con, phụ huynh cũng phải xếp hàng từ nửa đêm.
[Thủ tướng yêu cầu rà soát công tác tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội]
Trước thực trạng này, ngày 4/5/2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có chỉ thị Số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chỉ thị khẳng vai trò quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế khiến khối đào tạo này chưa thu hút được người học. Đó là tâm lý chạy theo bằng cấp, sự yếu kém trong công tác hướng nghiệp, hạn chế của khối đào tạo nghề, chính sách khuyến khích các bên…
Chỉ thị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Thực trạng áp lực tuyển sinh lớp 10 hiện nay cũng như giải pháp giảm áp lực này đồng thời thực hiện tốt công tác phân luồng sau trung học cơ sở, đảm bảo sự phát triển hợp lý về nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai là những vấn đề được phân tích trong chùm bài: “Giải tỏa áp lực tuyển sinh lớp 10, phân luồng phát triển nguồn nhân lực”.
Bài 1: Gian nan tranh suất học lớp 10 trường công
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội trong nhiều năm gần đây luôn được đánh giá là vô cùng áp lực, căng thẳng hơn tuyển sinh đại học khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trung học phổ thông công lập chỉ đáp ứng được nhu cầu của khoảng 60% học sinh. Điều đó đồng nghĩa với việc khoảng 40% thí sinh còn lại sẽ phải học hệ ngoài công lập với chi phí đắt đỏ hơn hoặc theo học các trường trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-trung tâm giáo dục thường xuyên.
Kỳ thi chưa từng có
Mùa tuyển sinh năm nay, cuộc chiến lớp 10 lại càng trở nên “khốc liệt” hơn khi theo công bố của Hà Nội, tỷ lệ tuyển sinh vào các trường công lập chỉ chiếm khoảng 55% so với tổng số học sinh lớp 9, dù thành phố cho biết đã tăng 1.000 chỉ tiêu so với năm học trước.
Sức nóng tuyển sinh vì thế không còn chỉ dừng ở các trường công lập mà lan cả sang các trường công tự chủ tài chính và trường ngoài công lập, vốn là những trường có học phí cao. Để săn được suất học cho con, từ nửa đêm, hàng trăm phụ huynh đã phải đến xếp hàng chờ sẵn trước cổng các trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Trung học phổ thông Hoàng Cầu, Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu. “Đây là điều chưa từng xảy ra,” một phụ huynh của Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu chia sẻ.
Hình ảnh hàng trăm phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nhưng có người vẫn phải thất vọng mang hồ sơ về vì trường hết “suất” đã gây dậy sóng công luận. Những bức xúc trong tuyển sinh đầu cấp vì thế lan cả đến nghị trường, trở thành chủ đề được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 5/7. Trả lời vấn đề này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: “Hà Nội không thiếu chỗ học”.
Tuy nhiên, phát ngôn của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa” khi thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy năm nay toàn thành phố có 129.210 học sinh tốt nghiệp lớp 9 trong khi tổng chỉ tiêu lớp 10 cho tất cả các loại hình đào tạo là 112.654 học sinh (128 trường trung học phổ thông công lập và công lập tự chủ tài chính tuyển 75.430 chỉ tiêu, 95 trường tư thục tuyển 26.829 chỉ tiêu, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tuyển 10.305 chỉ tiêu). Thành phố vẫn còn 16.646 học sinh không có chỗ học lớp 10.
Trước áp lực công luận, ngày 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết định giao thêm 2.070 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho các trường. Ngày 15/7, Hà Nội tiếp tục bổ sung thêm 3.339 chỉ tiêu. Tổng số chỉ tiêu lớp 10 tuyển thêm là 5.409 em. Vẫn còn trên 11.000 học sinh đứng ngoài cổng trường trong hệ thống tuyển sinh lớp 10 của ngành giáo dục thành phố.
Những ngày ám ảnh
Là một trong những phụ huynh phải đi xếp hàng từ 2 giờ sáng để “săn” suất học lớp 10 cho con, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (quận Long Biên, Hà Nội) bảo giờ này, khi con đã yên vị vào lớp 10, chị mới thực sự thở phào nhẹ nhõm, nhưng những áp lực của những ngày đầu tháng 7 “long sòng sọc” tìm trường cho con và cả năm lớp 9 quay cuồng đưa đón con ở các lớp học thêm với chị thực sự là những ngày ám ảnh.
Suốt năm học lớp 8, 9, con chị gần như không có ngày nào được nghỉ, học từ sáng đến chiều ở trường, tối học thêm. Thứ Bảy, Chủ Nhật, con cũng đi học cả ngày, rất áp lực và căng thẳng.
“Những khi nhìn con mệt mỏi gục xuống bàn học, tôi xót xa vô cùng. Cả nhà tôi cũng hầu như không có bữa cơm gia đình nào đông đủ dù chỉ có 4 thành viên, vì con luôn phải ăn tạm để đi học thêm cho kịp giờ, con về nhà thì đã muộn,” chị Tâm trầm buồn nói.
Sự cạnh tranh khốc liệt trong kỳ thi vào lớp 10 khiến cho áp lực thi cử không chỉ căng thẳng với các học sinh khối 9 mà lan xuống cả bậc tiểu học, khi các phụ huynh nỗ lực tìm lớp cho con học thêm để mong đỗ vào cấp 2 trường điểm, trường chất lượng cao, những mong sau đó con có thể chắc chắn đỗ lớp 10.
Chị Nguyễn Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thở dài khi con trượt Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh, sẽ phải về học trường đúng tuyến gần nhà năm lớp 6 tới. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lứa học sinh rồng vàng (sinh năm 2012) con chị năm nay có 188.400 học sinh vào lớp 6, tăng khoảng 38.000 học sinh so với lứa sinh năm 2011, tăng khoảng 58.000 học sinh so với lứa học sinh lớp 9 thi lên lớp 10 năm nay.
“Riêng số học sinh tăng thêm đã gần bằng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của toàn thành phố năm nay. Tôi không thể tưởng tượng đến khi con mình thi lớp 10, mức cạnh tranh sẽ khủng khiếp như thế nào nữa,” chị Hương thở dài ngao ngán nói.
Lo lắng, nên chị cũng như rất nhiều phụ huynh khác, chỉ còn cách trông chờ vào những lịch học thêm dày đặc. “Tất cả các học sinh khác đều đi học thêm, con mình cũng không thể chỉ học trên lớp vì đây là cuộc đua mà phần thắng chỉ dành cho người có điểm số cao hơn,” chị Hương chia sẻ.
So với chị Hương thì chị Nguyễn Thị Thủy (quận Hà Đông, Hà Nội) đã thấy kỳ thi “khốc liệt” ấy cận kề. Năm nay, con chị lên lớp 9. “Con chỉ có đúng một tuần để nghỉ hè. Cả con, cả mẹ đều áp lực, mệt mỏi, nhưng không có cách nào khác nếu muốn học tiếp lớp 10. Còn việc vào trường nghề, tôi không nghĩ đến vì con còn non nớt quá và cũng chưa có bất kỳ định hướng nghề nghiệp nào,” chị Thủy nói.
Đón đọc toàn bộ chùm bài:
Bài 1: Gian nan tranh suất học lớp 10 trường công
Bài 2: Khoảng trống hướng nghiệp bậc trung học cơ sở
Bài 3: ‘Cánh cửa’ đào tạo song bằng hệ 9+ cho học sinh trung học cơ sở
Bài 4: Quyết liệt từ quy hoạch: Giải “bài toán” thiếu trường, thiếu lớp trường công lập
Bài 5: Hệ đào tạo 9+: “Con đường” vừa học, vừa trải nghiệm thực tế