Thí sinh lo âu khi bước vào kỳ thi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Giải tỏa áp lực tinh thần cho học sinh: Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Phó giáo sư Trần Thành Nam cho rằng phụ huynh hiện đang quá chiều con, "cướp" quyền được khổ của trẻ làm giới trẻ thiếu sức chống chọi với căng thẳng trong khi lại chịu áp lực học hành lớn.

Do chỉ khoảng 60% học sinh tốt nghiệp lớp 9 được tuyển vào lớp 10 công lập, với hơn 105.000 thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội sẽ có khoảng 40.000 em bị trượt. Cả nước sẽ có hàng trăm nghìn thí sinh không thể đỗ vào lớp 10 công lập. Đây có lẽ sẽ là cú sốc đầu đời quá lớn khi suốt 9 năm học, thi lớp 10 là kỳ thi đầu tiên có sự cạnh tranh khốc liệt, quyết định đến ngã rẽ tương lai của các em, và lại chỉ có một cơ hội thi duy nhất.

Không chỉ những học sinh lớp 9, hơn 1 triệu sỹ tử lớp 12 của cả nước cũng đang "nín thở" chờ điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Làm thế nào để học sinh vượt qua được áp lực tinh thần khi thi trượt để tránh các suy nghĩ, hành vi tiêu cực là vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục về vấn đề này.

Phó giáo sư Trần Thành Nam. (Ảnh: ĐBND)

Điểm cao, trường tốt chỉ là phương tiện, không phải mục tiêu

- Thưa ông, sau mỗi kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10 khi áp lực cạnh tranh lớn, những thí sinh không đạt nguyện vọng mong đợi thường chịu tâm lý nặng nề và có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực. Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Phó giáo sư Trần Thành Nam: Đây là thực tế đáng quan ngại sau mỗi một kỳ thi vào lớp 10, tuyển sinh đại học, đặc biệt là thời điểm biết kết quả. Điều đó phản ánh rằng dường như áp lực của việc thành công, của điểm số đang càng ngày càng trở nên nặng nề hơn đối với người trẻ. Điều đó cũng chứng tỏ sự kiên cường, khả năng chống chịu thất bại hay những stress trong cuộc sống của giới trẻ ngày nay yếu hơn, thậm chí là ý nghĩa, mục tiêu của cuộc sống chưa được xây dựng một cách vững mạnh. Mục tiêu của các em là phải vào được trường nào đấy, còn nếu không là mọi thứ chấm hết.

Nhưng thực ra mục tiêu của cuộc sống của chúng ta không phải là vào một ngôi trường, cũng không phải là kiếm được một công việc có nhiều tiền. Mục tiêu của cuộc sống của chúng ta là sống hạnh phúc, nhưng dường như bố mẹ chưa chuẩn bị cho con điều đó.

Vì vậy, để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này ở giới trẻ thì không thể nào cứ đến kỳ thi rồi mới lo lắng, giám sát, phòng ngừa, mà quan trọng, lâu dài là phải giáo dục cho con về việc sống hạnh phúc, làm thế nào để cho mỗi một ngày trôi qua của trẻ hạnh phúc và làm cho trẻ nhìn thấy một cuộc đời mà mình hướng đến.

Không phải là phải đỗ vào một ngôi trường nào đó, phải phỏng vấn được vị trí công việc nào đó là mục tiêu, vì nếu vậy, khi trượt, trẻ thấy mất luôn mục tiêu của cuộc đời. Mục tiêu của cuộc đời phải là trở thành con người tốt, sống hạnh phúc và có đóng góp gì đấy tích cực cho xã hội. Mục tiêu nên là như vậy, và việc đỗ vào ngôi trường mong muốn chỉ là một trong những con đường, phương tiện đi đến mục tiêu, bên cạnh nhiều con đường khác, có thể là khó khăn hơn một chút ở thời điểm hiện tại.

Thứ hai là phải hướng dẫn, trang bị cho con kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình hằng ngày, hằng giờ, coi đó là một kỹ năng sinh tồn đầu tiên và phải dạy cho con một cách nghiêm túc khi con bước vào giai đoạn vị thành niên, phải đối diện với rất nhiều áp lực từ cuộc sống. Nếu không, trẻ có thể sẵn sàng chọn từ bỏ cuộc đời chỉ vì những áp lực tinh thần.

Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bố mẹ hãy học cách chấp nhận con thất bại và giúp con thất bại một cách thông minh, để thất bại đừng hại đến con của mình. Thất bại ở đây không phải là mất mục tiêu mà là thất bại trên con đường đi đến mục tiêu. Và sau mỗi một thất bại thì con rút ra bài học gì để có thể đứng lên đi tiếp, như nhà khoa học Thomas Edison đã phải thất bại hơn 10.000 lần trong việc tìm ra chất liệu làm sợi đốt bóng đèn.

- Chúng ta hiện nay liệu có đang bị chú ý quá nhiều đến vấn đề là điểm số, học hành để vượt qua các kỳ thi, thưa ông?

Phó giáo sư Trần Thành Nam: Các phụ huynh, bằng nhiều cách thức khác nhau, đang truyền đạt những thông điệp hàng ngày, hàng giờ đến con hình mẫu của thành công với những câu đùa có thể rất vô ý từ nhỏ, chẳng hạn như: thế này thì mai này chỉ đi quét rác. Tuy nhiên những câu nói đó cũng đã góp phần hình thành trong tư duy trẻ thế nào là thành công, thế nào là thất bại. Hoặc chúng ta cứ nói về thành công của những người khác trước mặt con, thể hiện thái độ ngưỡng mộ.

Điều đó cũng tạo nên áp lực cho đứa trẻ, làm đứa trẻ tự quy tội cho mình cho những thất bại mà con đang phải đối diện. Trẻ có thể trốn tránh cảm giác bị chỉ trích bằng cách lựa chọn phương án nhiều khi rất tiêu cực.

Phụ huynh đang "cướp" quyền được... khổ của con

- Áp lực tuyển sinh vào lớp 10 đang rất lớn khi chỉ khoảng 60% học sinh đỗ vào lớp 10 công lập. Có ý kiến cho rằng không nên cào bằng tỷ lệ phân luồng cho tất cả các địa phương mà nên có sự điều chỉnh tuỳ theo điều kiện kinh tế-xã hội của từng tỉnh, thành. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Phó giáo sư Trần Thành Nam: Chúng ta cần phải cân nhắc về công tác quy hoạch vì hiện nay, công tác điều tra dân số đã được thực hiện rất tốt, biết rõ từng năm học nào sẽ có bao nhiêu học sinh vào từng khối lớp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+

Phân luồng là đúng, nhưng phải đảm bảo công bằng hơn trong chính sách như có sự hỗ trợ về tài chính, chẳng hạn khoản vay ưu đãi, cho học sinh học trường tư vì học sinh học trường công đã được Nhà nước đầu tư trường lớp, giáo viên.

Các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên phải nỗ lực để khẳng định được chất lượng giáo dục và làm tốt truyền thông để người dân có thể yên tâm cho con theo học.

Rõ ràng là thực tế và lý thuyết việc phân luồng vẫn còn có khoảng cách mà chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu và có sự điều chỉnh.

Tôi nghĩ rằng là tỷ lệ phân luồng hiện nay nếu tình trong bình diện cả nước thì có thể là phù hợp, nhưng cào bằng cho tất cả các vùng, miền thì có thể không phù hợp. Những nơi tập trung tài năng, nơi có điều kiện về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, các em có khả năng để học cao hơn thì phải được tạo điều kiện để phát huy.

- Cũng có nhiều phụ huynh băn khoăn về việc học sinh hết lớp 9 mới chỉ 15 tuổi, chưa nhiều trải nghiệm, còn non nớt nên chưa thể định hướng được nghề nghiệp. Là chuyên gia tâm lý giáo dục, ông nghĩ sao về điều này?

Phó giáo sư Trần Thành Nam: Phải nói là bố mẹ ở Việt Nam quá chiều con, "cướp" quyền được khổ của con.

Trẻ em 15 tuổi ở các nước phương Tây, nơi giáo dục con cái theo tinh thần độc lập và tự chủ thì trẻ được trang bị khá nhiều kỹ năng xã hội, trong đó có kỹ năng định hướng nghề nghiệp và tự ra quyết định cho bản thân mình.

Ở xã hội phương Đông của chúng ta, bố mẹ cho con tự chủ nhưng trong điều kiện con vẫn phải nghe theo lời bố mẹ. Vì vậy, tính tự lập, tự chủ, tự quyết của trẻ rất kém. Bên cạnh đó, sống trong một xã hội tràn ngập Internet thì các kỹ năng xã hội càng ngày càng trở nên kém hơn.

Do đó, bố mẹ lo lắng con còn non là có tính hợp lý, nhưng đó là do cách giáo dục, không để con trải nghiệm, thực hành các công việc dù là nhỏ nhất. Khi bố mẹ không có sự chuẩn bị trước thì hết cấp hai, con cũng chưa thể hội nhập vào thế giới nghề nghiệp được vì chưa trưởng thành về mặt kỹ năng, năng lực xã hội. Vì vậy, vấn đề là phụ huynh phải thay đổi về quan điểm giáo dục con cái, rèn con tự lập từ sớm.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở cũng phải được làm tốt hơn nữa./.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!./.

Học sinh miệt mài ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục