Giải thưởng Văn nghệ Dân gian năm 2023 không có Giải Nhất

Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho biết năm nay, Hội trao tặng 50 giải cho tác giả, nhóm tác giả có công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị, không có Giải Nhất.
Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trao giải Nhì A cho tác giả có công trình đạt giải. (Ảnh: Phương Hà/TTXVN )

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Văn nghệ Dân gian năm 2023, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, tổ chức khen thưởng và mừng thọ các hội viên cao tuổi.

Tổng kết Giải thưởng năm 2023, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho biết năm nay, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã nhận được 81 công trình đăng ký tham dự giải thưởng, thuộc tất cả các chuyên ngành văn hóa, văn nghệ dân gian.

Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 60 công trình, tác phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng Chuyên ngành; trong đó có 20 công trình thuộc chuyên ngành Ngữ văn và lý luận văn hóa Dân gian; 25 công trình thuộc chuyên ngành Phong tục Tập quán, Lễ hội, Địa chỉ Văn hóa Dân gian; 3 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật Biểu diễn Dân gian; 2 công trình thuộc chuyên ngành Nghệ thuật Tạo hình và kiến Trúc Dân gian; và 10 công trình thuộc chuyên ngành Văn hóa Ẩm thực, Nghề Cổ truyền và Tri thức Dân gian.

Đánh giá về Giải thưởng Văn nghệ Dân gian năm 2023, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hồng Lý cho rằng so với năm trước, năm nay số công trình đưa vào xét giải tăng đều ở cả 5 chuyên ngành, trên cả hai lĩnh vực điều tra sưu tầm và nghiên cứu, giới thiệu.

Đặc biệt các công trình sưu tầm văn học Dân gian các Dân tộc Thiểu số năm nay đều được thể hiện song ngữ. Điều này, một mặt rất quan trọng với công tác nghiên cứu, phát huy những Di sản Văn hóa các tộc người trong nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam; mặt khác cũng khẳng định năng lực tiếp cận ngôn ngữ các dân tộc ít người của đội ngũ những nhà điều tra sưu tầm của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Về dung lượng, bên cạnh một vài công trình chỉ hơn trăm trang, phần lớn đều là các công trình vài trăm trang, thậm chí có công trình trên 1.000 trang.

Kết quả, Hội đồng Chung khảo đã thống nhất trao tặng 50 giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị. Cụ thể, không có công trình đạt Giải Nhất. Hội đồng đã trao 1 Giải Nhì A, 2 Giải Nhì B, 9 Giải Ba A, 15 Giải Ba B, 14 Giải Khuyến khích và 9 tặng phẩm cho các tác giả, nhóm tác giả.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng chứng nhận cho các nghệ nhân được phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam. (Ảnh: Phương Hà/TTXVN)

Điều đặc biệt trong mùa giải năm nay là, hội viên Nguyễn Tiến Dũng giành cả hai giải cao nhất là Giải Nhì A và Nhì B. Trong đó, Giải Nhì A thuộc về công trình sưu tầm giới thiệu “Sử thi Bahnar: Giông thủ tài (Giông long),” song ngữ Việt-Bahnar do tác giả Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân Alưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa. Công trình dày 576 trang, khổ A4, với độ dài 601 phút 31 giây diễn xướng.

Bên cạnh đó, công trình “Sử thi Bahnar-Chàng Hơ Dang làm vòng (Dăm Hơ Dang weng kong)” cũng do Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm và biên soạn, A Lưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch, được trao Giải Nhì B.

Chia sẻ cảm xúc khi nhận 2 giải thưởng cao nhất, tác giả Nguyễn Tiến Dũng cho biết anh rất vui và vinh dự khi nhận được 2 giải thưởng lớn trong mùa giải năm nay. Đây là sự quan tâm, ghi nhận đặc biệt của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đối với các hội viên.

Theo tác giả Nguyễn Tiến Dũng, việc trao giải thưởng của Hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đó là nguồn động viên, là sự ghi nhận công sức lao động của các tác giả, nhóm tác giả, là động lực to lớn để các hội viên, các tác giả tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những công trình văn nghệ Dân gian có giá trị hơn nữa, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa dân gian Việt Nam.

Giải Nhì B thứ 2 được trao cho công trình “Thủ tục tang ma và những bài ca chỉ đường của các ngành Mông Xanh, Mông Trắng và Mông Đỏ tỉnh Điện Biên,” do tác giả Chu Thùy Liên thực hiện. Công trình có dung lượng hơn 500 trang, tác giả nữ người dân tộc Hà Nhì đã bỏ công sức điền dã, điều tra, sưu tầm, biên soạn trong nhiều năm và được hoàn thành vào năm 2023.

Nhân dịp này, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho các nghệ nhân và tổ chức Lễ mừng thọ các hội viên tròn 70, 80, 90 tuổi của Hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục