Giải thưởng Thông tin đối ngoại: Lan tỏa hình ảnh Việt Nam tới bạn bè

Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX-năm 2023 tiếp tục khẳng định uy tín và chất lượng chuyên môn; phản ánh đầy đủ sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại.
Megastory: “Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” của nhóm tác giả Hùng Võ-Thanh Trà (Báo Điện tử VietnamPlus).

Tối 12/10, Lễ trao Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX - năm 2023 sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Đây là năm thứ chín của Giải với 1.456 tác phẩm, sản phẩm dự thi, tăng 30% so với kỳ giải trước.

Điều này cho thấy Giải đã có sức hút và sức hấp dẫn riêng, dần dần khẳng định mình trong hệ thống giải thưởng quốc gia.

Theo Ban Tổ chức Giải, năm nay ghi nhận số lượng tác phẩm dự thi cao nhất trong 9 mùa giải.

[Giải thưởng Đối ngoại 2023: Bám sát dòng chảy thông tin sôi động]

Số lượng các tác phẩm tăng thêm tập trung chủ yếu tại các hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại (tăng 500%); báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài (tăng 28%); truyền hình (tăng 46%); ảnh (tăng 96%); video clip (tăng 46%).

Hạng mục báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng nước ngoài vẫn dẫn đầu về số lượng các tác phẩm, sản phẩm tham gia Giải thưởng năm nay.

Dấu ấn đậm nét của cơ quan Thông tấn Quốc gia

Một dấu ấn nổi bật của Thông tấn xã Việt Nam tại mùa giải năm nay là sự tham gia dự thi rất tích cực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các đơn vị sản xuất thông tin trực thuộc.

Trong số hơn 1.400 tác phẩm/sản phẩm dự thi, Thông tấn xã Việt Nam là đơn vị có số lượng tác phẩm dự thi cao nhất, với 223 tác phẩm.

Nhiều tác phẩm, sản phẩm dự thi trong số đó đã lọt vào vòng chấm chung khảo và được Hội đồng Chung khảo Giải thưởng đánh giá cao, đưa vào xếp giải.

Đơn cử như các loạt bài được trình bày dưới dạng Megastory: “Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” của nhóm tác giả Hùng Võ-Thanh Trà (Báo Điện tử VietnamPlus) và loạt bài bằng tiếng nước ngoài có tiêu đề “Ngoại giao cây tre đồng hành cùng dân tộc vượt qua thử thách” của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà, Phan Hồng Nhung (Ban Biên tập tin Đối ngoại); hay sách “Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình,” song ngữ Việt-Anh của nhóm tác giả từ Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Ngoại giao; bộ ảnh “Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của tác giả Lê Trí Dũng (Ban Biên tập Ảnh)...

Nhà báo Võ Mạnh Hùng (bút danh Hùng Võ), Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ giữa tháng 8/2022, Ban Lãnh đạo Báo điện tử VietnamPlus đã họp và phân công anh đi thực tế tìm hiểu tại một số tỉnh miền núi từng là “điểm nóng” về tôn giáo với những hoạt động lôi kéo, gây mất an ninh trật tự, với hy vọng sẽ mang đến cho độc giả trong nước và quốc tế những góc nhìn khách quan, toàn diện hơn về công tác nhân quyền ở Việt Nam.

“Sau nhiều ngày đi sâu vào thực tế tìm hiểu, gặp gỡ bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những người từng mắc phải sai lầm, tôi đã được nghe họ kể về những ngày tháng "tối tăm" do bị cám dỗ bởi lời những lừa phỉnh của kẻ xấu, bị huyễn hoặc bởi "dòng tiền đen" từ một số tổ chức phản động ở quốc tế gửi về với mục đích "mị dân" đồng bào,... để rồi mê muội trong "bóng ma đen tối" như nấm mốc của virus tà đạo. Và rồi, nhờ được cán bộ Công an, Bộ đội cảm hóa, trở về; được Nhà nước, chính quyền địa phương và các đoàn thể hỗ trợ phát triển kinh tế - họ đã nhận ra lỗi lầm, không còn tin, nghe theo kẻ xấu,” Nhà báo Võ Mạnh Hùng kể lại quãng thời gian tìm hiểu viết bài.

Loạt bài này gồm 5 bài viết, được thể hiện theo hình thức Mega Story (hay long-form) - một kiểu báo chí chất lượng về cả nội dung và hình thức được trình bày cầu kỳ (bao gồm nội dung văn bản, hình ảnh, dữ liệu, đồ họa, infographics) mang đến cho người đọc nội dụng chuyên sâu với “mâm thông tin” đầy đủ và giá trị nhất, chính xác nhất.

Nhà báo Đỗ Huy Bình bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được lãnh đạo Nhà Xuất bản Thông tấn giao nhiệm vụ tham gia biên soạn, biên tập cuốn sách “Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình” cùng với một số biên tập viên và họa sỹ dày dạn kinh nghiệm của Nhà xuất bản.

Bìa sách ảnh “Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình”.

“Thế hệ chúng tôi là những người sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc nên việc nêu bật được những cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán, làm rõ được chiến lược “vừa đánh vừa đàm” tài tình của nền Ngoại giao Cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh tại Hội nghị Paris qua ảnh là một điều không hề đơn giản,” Nhà báo Đỗ Huy Bình chia sẻ.

Với mong muốn dựng lại bức tranh toàn cảnh về hội nghị có tầm vóc lịch sử lớn lao cách đây 50 năm (1973-2023), được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và Nhà xuất bản Thông tấn, nhóm biên soạn, biên tập cùng đội ngũ chuyên gia và những nhà ngoại giao kỳ cựu đã sưu tầm, tập hợp, biên soạn hơn 260 bức ảnh, tư liệu từ các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, nguồn ảnh tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, từ các bảo tàng trong nước, báo chí, các cá nhân từng có mặt trong cuộc đàm phán để hoàn thành cuốn sách này.

Việc Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục có các tác phẩm được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao tại Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX khẳng định dấu ấn mạnh mẽ của cơ quan Thông tấn Quốc gia trong thông tin các vấn đề nóng, sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước, trong đó đặc biệt là tuyến thông tin đối ngoại.

Tư duy đổi mới, sáng tạo về phương thức, phản ánh

Một điểm nổi bật trong nhiều tác phẩm đoạt giải cao ở mùa Giải năm nay là có hình thức thể hiện đa dạng, độc đáo, thể hiện được tư duy đổi mới, sáng tạo về phương thức, phản ánh hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.

Với cách truyền tải dung dị, nhẹ nhàng bằng ngôn ngữ tiếng Anh, chương trình phát thanh “Tết Nguyên đán mang thông điệp đặc biệt về giá trị văn hóa Việt Nam” của nhóm tác giả Thu Hoa, Hồng Vân, Ánh Huyền, Ngọc Anh, Nhật Quỳnh, Phương Khanh (Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam) đã thực sự “chạm” đến trái tim, tình cảm sâu nặng hướng về quê hương của những người Việt xa xứ cũng như khơi gợi thiện cảm của bạn bè quốc tế với Việt Nam - một đất nước có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Theo nhóm tác giả, rất nhiều sự kiện văn hóa tổ chức vào dịp Tết. Tết là dịp vô cùng đặc biệt để chúng ta thực hành những giá trị văn hóa.

Qua việc thực hành những giá trị văn hóa, chúng ta hiểu hơn giá trị văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa giúp chúng ta tự tin hơn để hội nhập quốc tế. Văn hóa là dòng chảy liên tục. Chúng ta chỉ có thể sống với hiện tại, tương lai tốt đẹp hơn khi mà chúng ta không quên được quá khứ.

Quay trở lại những giá trị văn hóa của mình, quay trở lại với truyền thống, với những gì mà cha ông của mình đã đúc kết, kết tinh chính là cách làm đúng nhất và là cách làm phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay để chúng ta có sự tự tin, hình thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước phồn vinh.

Cũng là một sản phẩm truyền thông “chạm” đến trái tim của người xem, chương trình “Đêm thiêng liêng - Lửa Thanh xuân” và trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” - trân trọng giá trị hòa bình của nhóm tác giả: Nguyễn Thi ̣ Bích Thủy, Đào Thi ̣ Huê, Nguyễn Thi ̣ Sâm, Lã Bích Thủy, Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Vân Anh, Chu Hà Linh, Lại Thi ̣Minh Thu (Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò) không chỉ làm lay động cảm xúc của các du khách Việt Nam mà còn cả các du khách nước ngoài khi tham dự chương trình này của Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Du khách tham quan khu trưng bày tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bà Lã Thị Thủy (Phòng Truyền thông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò) cho biết hành trình “Đêm thiêng liêng” có nội dung hấp dẫn với nhiều hoạt cảnh, tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong Nhà tù Hỏa Lò, qua đó tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù.

"Các hoạt cảnh được dàn dựng chân thực, góp phần làm nổi bật hình tượng những người con kiên trung của đất nước. Đặc biệt, du khách được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự tối tăm, ngột ngạt của các phòng giam, xà lim; sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục..., từ đó có cảm nhận rõ rệt nhất về tinh thần vượt lên gian khổ, ngọn lửa thanh xuân nhiệt huyết, bền bỉ trong chốn lao tù," bà Lã Thị Thủy chia sẻ.

Với nội dung thuyết minh sâu sắc, kết hợp âm thanh, ánh sáng sinh động, cùng những hoạt cảnh, trải nghiệm độc đáo trong hành trình, “Đêm thiêng liêng: Lửa thanh xuân” đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên và chân thực nhất.

Với những điểm nổi bật nói trên ở mùa thứ 9, có thể thấy Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX - năm 2023 tiếp tục khẳng định uy tín và chất lượng chuyên môn; phản ánh đầy đủ sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại vào việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân và bạn bè quốc tế vào Việt Nam.

Giải thưởng tiếp tục là không gian sáng tạo cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại trong nước và ngoài nước, đáp ứng kỳ vọng làm điểm nhấn trong công tác tuyên truyền nói chung, công tác thông tin đối ngoại nói riêng, đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và sự phát triển năng động của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục