Ngày 12/2, cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã vinh dự giành giải thưởng danh giá Mo Ibrahim 2017 trị giá tới 5 triệu USD.
Đây là giải thưởng cá nhân lớn nhất thế giới nhằm tôn vinh những nhà lãnh đạo châu Phi được bầu dân chủ, thành công đặc biệt trong điều hành đất nước, làm việc trọn nhiệm kỳ và mới rời nhiệm sở trong vòng 3 năm trở lại đây.
Bà Sirleaf, 79 tuổi và là nữ tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi, đã kết thúc cương vị Tổng thống Liberia vào ngày 22/1 vừa qua sau 12 năm cầm quyền. Trước đó, hồi năm 2011, bà cũng đã đồng đoạt giải Nobel Hòa bình cho sự nghiệp đấu tranh vì nữ quyền.
[Liberia: Đảng cầm quyền khai trừ Tổng thống Johnson Sirleaf]
Cựu Tổng Thư ký Liên minh châu Âu Salim Ahmed Salim, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Mo Ibrahim, đánh giá cao những đóng góp của bà Sirleaf đối với Liberia bằng nhận định bà đã làm thay đổi vận mệnh của quốc gia Tây Phi này.
Theo ông Salim, bà Sirleaf đã dẫn dắt một đất nước Liberia vốn bị tàn phá bởi cuộc nội chiến hướng đến tiến trình hòa giải nhằm tập trung xây dựng đất nước và các thể chế dân chủ.
Ông nêu rõ: "Trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, bà Sirleaf đã làm việc không ngừng nghỉ vì người dân Liberia. Hành trình này không thể tránh khỏi một số khiếm khuyết và hiện nay, Liberia vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong 12 năm điều hành, bà Sirleaf đã đặt nền tảng giúp tái thiết Liberia."
Trong khi đó, tỷ phú Mo Ibrahim, người sáng lập giải thưởng, đã bày tỏ vui mừng trước việc bà Sirleaf được tôn vinh. Ông đánh giá cựu Tổng thống Sirleaf đã lãnh đạo đất nước Liberia trong những giai đoạn vô cùng khó khăn hướng đến một tương lai hòa bình và dân chủ.
Mo Ibrahim là một nhà kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực viễn thông, người sáng lập Tập đoàn truyền thông quốc tế Celtel. Giá trị của giải thưởng Ibrahim không được trao ngay một lần mà sẽ chia đều trong vòng 10 năm.
Các tiêu chí để các nhà lãnh đạo châu Phi được đề cử nhận giải là trong nhiệm kỳ của mình, nhà lãnh đạo đó đã giúp đất nước có những bước tiến nhất định về kinh tế, thúc đẩy sự hài hòa, công bằng xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân.
Bản thân những nhà lãnh đạo đó cũng không được vướng các bê bối trong đời sống cá nhân./.