Giải thưởng Kovalevskaia góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới

Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định các nghiên cứu trong giải thưởng Kovalevskaia góp phần quan trọng vào thành quả 30 năm đổi mới.
Giải thưởng Kovalevskaia góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới ảnh 1Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thứ hai, từ trái) trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015 cho các nhà khoa học nữ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 106 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, sáng 6/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Giải thưởng Kovalevskaia, nhằm biểu dương, tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam nói chung và các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nói riêng; những người đã và đang không ngừng đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội của đất nước.

Cách đây 30 năm, Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học lỗi lạc người Nga Kovalevskaia (1850-1891) bắt đầu được xét trao cho các nhà khoa học nữ Việt Nam thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhà nữ toán học Kovalevskaia đã truyền cảm hứng cho một nhà khoa học nữ người Mỹ, tiến sỹ Ann Koblitz đến nghiên cứu, học tập ở Liên Xô và viết luận án tiến sỹ về bà.

Luận án được đánh giá cao và in thành sách. Số tiền nhuận bút của cuốn sách cùng với sự ủng hộ của một số nhà khoa học khác để lập ra Quỹ Sophia Kovalevskaia. Mục đích của Quỹ là biểu dương, động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển, dưới hình thức trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Hiện nay, Quỹ đang hoạt động tại 8 nước ở châu Mỹ La tinh, châu Phi và châu Á.

Ở Việt Nam, hai phụ nữ đầu tiên được vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 1985 là Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Chi. Từ buổi ban đầu đó, đến nay, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia đã xét chọn và trao giải thưởng cho 17 tập thể và 44 cá nhân có thành tích nghiên cứu khoa học tự nhiên và ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, giáo dục, nông nghiệp…, với nhiều công trình được chuyển giao công nghệ, đưa vào ứng dụng mang lại lợi ích kinh tế-xã hội cao.

Suốt chặng đường 30 năm, Giải thưởng đã trở thành người bạn đồng hành tri kỷ với nữ trí thức Việt Nam trong quá trình đổi mới của đất nước; là sự ghi nhận, nguồn động viên, cổ vũ phụ nữ thêm tự tin, hăng hái nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học tự nhiên.

Các tập thể, cá nhân được nhận Giải thưởng Kovalevskaia nói riêng và phụ nữ trí thức nói chung đã tô đẹp thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Chính những nữ trí thức đã thực hiện lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ."

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, hơn 1976 năm trôi qua, nhưng hình ảnh và tinh thần quật khởi của hai vị nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị vẫn luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Bà cho rằng, tất mọi người hãy tự hào và biết ơn sâu sắc hai vị nữ anh hùng dân tộc đã mạnh mẽ đứng lên dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm; là khởi nguồn oai hùng phong trào phụ nữ, làm rạng danh truyền thống phụ nữ Việt Nam.

Trong tháng 3 này, phụ nữ trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, đây là thành quả đấu tranh lâu dài và đoàn kết của hàng triệu phụ nữ trên thế giới để bảo vệ cho quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng của phong trào phụ nữ toàn cầu, được cả thế giới tôn vinh; trở thành động lực khích lệ các tầng lớp phụ nữ năm châu đoàn kết, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới.

Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua những phong trào thi đua yêu nước, chương trình công tác trọng tâm do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp nổi bật vào công cuộc đổi mới, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong những đóng góp lớn lao của phụ nữ có các nhà khoa học nữ.

Họ là những tấm gương tiêu biểu, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo để có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng cao mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội...

“Là một giải thưởng đã đồng hành cùng các nhà khoa học nữ Việt Nam trong 30 năm đổi mới của đất nước, từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải thưởng danh giá cấp quốc gia dành cho các nhà khoa học nữ. Có thể khẳng định những thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn của 61 tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ có giá trị kinh tế cao, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào thành quả trong 30 năm đổi mới đất nước”, bà Trương Thị Mai khẳng định.

Tại lễ kỷ niệm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia đã chuyển giao chức Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia cho Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tân Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015 tặng Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế.

Trong đó, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Thị Cẩm Hà được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao thân thiện với môi trường, đặc biệt là công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh học. Cùng với đó, bà có một chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học.

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, dù công việc điều trị bệnh nhân và quản lý bận rộn, nhưng chị vẫn thu xếp để dành thời gian cho các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực huyết học, giảng dạy và có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.

Cũng dịp này, 38 nữ phó giáo sư và 38 nữ tiến sỹ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ trong các năm 2014, 2015 đã được nhận Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục