Giải thưởng khoa học Bảo Sơn năm 2016-2017 bị “ế”

Mặc dù nhận được hơn 50 đề tài khoa học gửi đến nhưng kết thúc mùa giải năm 2016-2017, Ban tổ chức giải thưởng Bảo Sơn vẫn không chọn được đề tài để trao thưởng.
Giải thưởng khoa học Bảo Sơn năm 2016-2017 bị “ế” ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Mặc dù nhận được hơn 50 đề tài khoa học gửi đến nhưng kết thúc mùa giải năm 2016-2017, Ban tổ chức giải thưởng Bảo Sơn vẫn không chọn được đề tài để trao giải. 

Đây là thông tin vừa được ông Lý Tiến Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết.

Nghiên cứu vẫn nặng lý thuyết

Giải thưởng Bảo Sơn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Bảo Sơn tổ chức.

Theo ông Hùng, giải thưởng Bảo Sơn năm 2016-2017 có cơ cấu gồm 5 giải thưởng cho 5 lĩnh vực: cải cách giáo dục và đào tạo; xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế bền vững; y-dược học, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; văn học. Mỗi giải trị giá 50.000 USD.

Trong thời gian phát động, đã có trên 50 đề tài khoa học được gửi đến. Tuy nhiên, sau khi chấm, ban tổ chức đã không chọn được công trình nào.

Khép lại mùa giải năm 2016-2017, giải thưởng khoa học Bảo Sơn vẫn chưa có chủ nhân nào dù trong cơ cấu có đến 5 giải.

[Nữ tiến sỹ "nano" với những công trình về người bệnh ung bướu]

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn cho biết: “Hơn 50 đề tài nhưng phần lớn mang tính lý thuyết, hoặc có ứng dụng nhưng hiệu quả không cao. Một trong những tiêu chí quan trọng của giải thưởng là đề tài đã được ứng dụng trong thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội,” ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, trong số các công trình nghiên cứu gửi đến, hội đồng chấm giải chỉ chọn được duy nhất một đề tài vào chung khảo. Đó là công trình nghiên cứu tách protein trong cao su tự nhiên để sản xuất găng tay cao su sử dụng phẫu thuật trong bệnh viện của phó giáo sư tiến sỹ Vũ Trọng Nghĩa, Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Dù kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng sản xuất ra hàng chục nghìn đôi găng tay dùng trong hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, nhưng vẫn ở dạng thử  nghiệm.

“Trong khi đó, theo tiêu chí của giải thưởng thì kết quả nghiên cứu phải được ứng dụng đại trà. Vì vậy, ban tổ chức đã quyết định chưa trao giải,” ông Sơn cho biết.

“Mong các tác giả mạnh dạn gửi đề tài”

Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giải thưởng của mình vẫn chưa tìm được chủ nhân là do công tác truyền thông chưa tốt, dẫn đến số tác giả gửi đề tài còn hạn chế. 

“Mọi người nên mạnh dạn gửi đề tài để xét giải. Ví dụ như nông dân sản xuất được máy gặt lúa, không cần phải mua máy móc nước ngoài, cũng là một nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, cần khuyến khích,” ông Sơn chia sẻ.

Đây cũng là ý kiến của ông Lý Tiến Hùng. Ông Hùng cho rằng: “Chúng ta có nhiều công trình đủ tiêu chuẩn để trao giải nhưng tác giả lại không tham gia."

Giải thưởng khoa học Bảo Sơn năm 2016-2017 bị “ế” ảnh 2Ông Lý Tiến Hùng . (Ảnh: Bộ Giáo dục)

Phát động giải thưởng Bảo Sơn năm 2017-2018

Khép lại mùa giải năm 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Bảo Sơn khởi động giải thưởng Bảo Sơn năm 2017-2018.

Năm nay, thể lệ cuộc thi không thay đổi. Theo đó, ban tổ chức sẽ xét tặng thưởng cho các công trình khoa học và sáng chế thuộc 5 lĩnh vực gồm cải cách giáo dục và đào tạo; xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế bền vững; y-dược học, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; văn học.

Mỗi lĩnh vực sẽ được xét trao một giải cho công trình nghiên cứu xuất sắc nhất với mức thưởng tương đương 60.000 USD theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm trao giải. Tác giả công trình nghiên cứu được giải cũng được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và cúp Bảo Sơn.

Đối tượng tham gia giải thưởng là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên có công trình nghiên cứu đã được ứng dụng có kết quả, có đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và con người Việt Nam.

Các công trình nghiên cứu khoa học đã đạt các giải thưởng trong hệ thống giải thưởng khoa học –công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ và giải thưởng của các hiệp hội trung ương không được được ký tham dự.

Tiêu chí xét giải là các công trình hoặc sáng chế đã được ứng dụng trong thực tế, có giá trị khoa học hoặc giá trị kinh tế cao. Kết quả nghiên cứu phải được hể hiện qua một ấn phẩm do một nhà xuất bản có uy tín ấn hành hoặc chứng nhận khác có thẩm quyền. 

Các tác giả có thể gửi công trình nghiên cứu để tham gia xét giải về địa chỉ Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35, phố Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tặng giải thưởng từ ngày 1/11/2017 đến 31/3/2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục