Giải thưởng hòa bình UNESCO vinh danh những đóng góp vì người di cư

UNESCO đã trao giải thưởng hòa bình danh giá hàng năm Felix Houphouet-Boigny cho Hiệp hội cứu nạn người di cư SOS Địa Trung Hải và thị trưởng Lampedusa.
Giải thưởng hòa bình UNESCO vinh danh những đóng góp vì người di cư ảnh 1Người di cư trên xuồng cứu hộ của Cơ quan Chữ thập đỏ Italy trên Địa Trung Hải. (Nguồn: AP/TTXVN)

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 19/4 đã trao giải thưởng hòa bình danh giá hàng năm Felix Houphouet-Boigny cho Hiệp hội cứu nạn người di cư SOS Địa Trung Hải và thị trưởng Lampedusa - một hòn đảo nhỏ nơi tuyến đầu phải đối diện với cuộc khủng hoảng người di cư.

UNESCO nhấn mạnh giải thưởng được trao cho tổ chức phi chính phủ SOS Địa Trung Hải và thị trưởng Lampedusa, Giuseppina Nicolini vì những đóng góp lớn lao của họ trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho những người di cư và tị nạn.

Đặc biệt, bà Nicolini còn được vinh danh vì lòng nhân ái và những cam kết kiên định trong giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như đối xử bình đẳng với hàng nghìn người tị nạn trên các bờ biển ở Lampedusa và nhiều nơi khác tại Italy.

Chủ tịch hội đồng trao giải, cựu Tổng thống Mozambique Joaquim Chissano nhận định cảnh ngộ cùng cực của những người di cư đã trở thành một trong những vấn đề đáng lưu tâm hiện nay, nhất là tại Địa Trung Hải, nơi chứng kiến gần 13.000 người đã bỏ mạng trong các vụ đắm tàu kể từ năm 2013. Do đó, hội đồng trao giải đã ghi nhận đóng góp của tổ chức SOS Địa Trung Hải phối hợp với tổ chức Bác sỹ không biên giới cứu sống hơn 11.000 người kể từ khi thực hiện sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn ngoài khơi Lampedusa hồi đầu năm 2016.

[Châu Âu quá "chậm trễ" trong việc đối phó thách thức từ người di cư]

Trong tuyên bố ngày 19/4, hội đồng trao giải cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay góp sức để Địa Trung Hải một lần nữa trở thành nơi của tình đoàn kết và đối thoại liên văn hóa, chứ không phải là một nấm mồ chôn vùi những người di cư.

Lampedusa, cực Nam của Italy, là điểm đến đầu tiên trên hành trình tới châu Âu của hàng nghìn người di cư khởi hành từ Bắc Phi trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng di cư, vốn nổ ra từ năm 2011 và trở thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tổ chức SOS Địa Trung Hải, thành lập năm 2015, đã phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ khác giải cứu hàng trăm người mỗi tuần liều mình trên những tàu thuyền ọp ẹp lênh đênh trên Địa Trung Hải. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, đã có gần 37.000 người cập bến Italy an toàn sau khi được cứu trên biển, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục