Một trong những điểm mới nổi bật nhất của Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-năm 2012 là việc báo điện tử được đứng độc lập ở một hạng mục riêng trong cơ cấu giải. [VietnamPlus vinh dự nhận hai giải Báo chí quốc gia] “Điều này thêm một lần nữa đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của báo mạng trong đời sống báo chí đương đại; tạo ra sân chơi riêng, động viên và khích lệ tinh thần những người làm báo điện tử,” nhà báo Cấn Mạnh Cường (Chi hội Nhà báo Báo Dân trí), tác giả loạt bài phỏng vấn về “Bỏ phiếu tín nhiệm” (đoạt giải C ở hạng mục “Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận”-Loại hình Báo Điện tử) cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn đôi điều bỏ ngỏ, tiếc nuối khi mới chỉ có hai loại giải (giải “Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận” và giải “Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép”) được trao cho báo điện tử. Bởi lẽ, báo mạng có hình thức thể hiện rất phong phú. Nó vừa là một loại hình báo chí thứ tư sau báo in, báo nói, báo hình vừa là loại hình báo chí tích hợp cả ba loại hình kia. Đeo bám đề tài Trong mùa giải thứ VII của Giải Báo chí Quốc gia, 11 giải thưởng (trong tổng số 117 giải) đã được trao cho loại hình báo điện tử. Những loạt tin, bài phản ánh, phỏng vấn, phóng sự… này là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc, đầu tư nhiều tâm huyết, sức lực và trí tuệ của các cây bút. Cây bút Hoàng Thảo Lê (Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân), tác giả của loạt bài “Nguy cơ gấu mất nhà” chia sẻ, chị đã phải mất khoảng một năm rưỡi để theo đuổi đề tài này. “Đó là vụ việc tôi theo đuổi lâu nhất trong tất cả những bài điều tra từ trước đến nay tôi đã thực hiện. Tôi lên thăm Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) từ năm 2008, khi nó mới chỉ là một trạm cách ly với khoảng 20 con gấu được cứu hộ. Từ đó, đối với các hoạt động của Trung tâm (như việc hoàn thành khu nhà gấu con, xây hệ thống xử lý nước thải…), tôi đều theo sát,” chị cho biết. Hồi tưởng lại hành trình đeo bám đề tài, nữ tác giả chia sẻ: “Bất ngờ, vào tháng 9/2011, khi đã có khoảng gần 100 con gấu sống trong hai khu bán hoang dã của Trung tâm (khu thứ ba đang xây dựng dang dở) thì Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo khi đó đã ra quyết định tạm dừng việc xây dựng. Câu hỏi đặt ra là, tại sao giám đốc một Vườn Quốc gia dưới quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại ra quyết định tạm dừng xây dựng một dự án mà Bộ đã phê duyệt dưới sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ?” “Điều phi lý này đã ám ảnh, thôi thúc tôi khám phá vụ việc và đưa lên báo Nhân Dân điện tử hai bài đầu tiên từ tháng 4/2012,” tác giả chia sẻ. Theo lời kể của chị, sau đó, vụ việc tiếp tục diễn biến phức tạp dần lên và chị đã tiếp tục thực hiện thêm ba bài viết nữa vào tháng 11/2012. Đến tháng 1/2013, vụ việc mới kết thúc sau khi có kết luận chính thức của Thủ tướng Chính phủ. Vào tháng 5/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết định cách chức đối với Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo, kết thúc việc đeo đuổi vụ việc trong suốt một năm rưỡi,” tác giả chia sẻ.
Báo điện tử được tách thành hạng mục trao giải riêng tại Giải Báo chí Quốc gia 2012 (ảnh: TTXVN)
Theo đánh giá của ông Hà Minh Huệ (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam), những tác phẩm báo điện tử được giải lần này đã thể hiện đúng, nhanh nhạy và có sức cuốn hút về những vấn đề thời sự, chính trị, xã hội được dư luận hết sức quan tâm như: Vấn đề tăng viện phí (chùm 5 bài “Tăng viện phí-Những góc nhìn đa chiều” của tác giả Cao Thùy Giang, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam), vấn đề truyền thông xã hội (tác phẩm “Truyền thông xã hội-Vắcxin hay thuốc nổ” của tác giả Bông Mai (Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân)… Hướng tới sự hoàn thiện Việc báo điện tử được tách ra thành hạng mục riêng trong cơ cấu Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-năm 2012 đã cho thấy, loại hình báo điện tử đã có một chỗ đứng riêng và những người làm báo điện tử cũng có thêm một “sân chơi” mới, một “mảnh đất” riêng để hoạt động. Với lợi thế rất lớn về khả năng hội tụ truyền thông-xu hướng của báo chí hiện đại (hội tụ về công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất…), báo điện tử đang ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí cũng như sức ảnh hưởng, lan tỏa của mình trong đời sống xã hội. “Bởi vậy, việc có giải riêng cho báo điện tử trong cơ cấu Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII-năm 2012 là điều rất hợp lý. Với sự hỗ trợ của công nghệ, hiện tại, báo điện tử đang phát triển với một tốc độ rất nhanh và tôi tin rằng, trong tương lai, loại hình báo chí này sẽ còn tiếp tục cho thấy những cuộc ‘bùng nổ’ hơn nữa,” nhà báo Cấn Mạnh Cường nhận định. Sức mạnh của báo điện tử được hội tụ từ nội dung thông tin viết, ảnh, clip… nhưng ở mùa giải này, ảnh và clip chưa có cơ hội được trao những giải thưởng riêng trong cơ cấu giải thưởng. “ảnh và clip trên báo điện tử có sức mạnh đặc biệt. Đối với các sự kiện nóng, thời sự như vỡ đập thủy điện ở Gia Lai hay cụ cháy cây xăng quân đội ở Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa qua…, ảnh và clip tác động đến trực quan công chúng với tốt hơn so với các bài phản ánh, tường thuật rất nhiều,” nhà báo Cấn Mạnh Cường phân tích. Xuất phát từ lý do đó, “nên chăng, trong những mùa giải sau, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia nên có giải thưởng dành cho giải cho ảnh, video clip trên báo điện tử,” nhà báo này bày tỏ. Đồng quan điểm với nhà báo Cấn Mạnh Cường, nhà báo Lê Thị Hồng Vân (Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân dân) cũng cho rằng: “Một loại hình đa phương tiện như báo điện tử có rất nhiều cách thức thể hiện khác nhau. Một tác phẩm báo điện tử không chỉ đơn thuần là bài viết mà còn có sự kết hợp với video clip, ảnh để truyền tải nội dung thông tin. Nếu những tác phẩm này không được tham gia dự thi, hoặc khi dự thi sẽ phải cắt bớt những phần không thuộc hạng mục trao giải nào thì sẽ không phản ánh được đúng những thế mạnh của báo điện tử. Điều này cũng sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của người làm báo điện tử khi gửi những tác phẩm dự thi.”/.
P. Mai (Vietnam+)