Giải thưởng Báo chí TTXVN: Nơi hội tụ của các sản phẩm báo chí mới

Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định Giải thưởng Báo chí TTXVN là nơi hội tụ của các sản phẩm báo chí mới được phát triển trên nền tảng số, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện nay.
Quang cảnh buổi chấm chung khảo Giải báo chí TTXVN năm 2022. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Giải thưởng Báo chí TTXVN diễn ra hằng năm là dịp vinh danh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của đội ngũ khoảng 1.200 phóng viên, biên tập viên thông tấn.

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2022 đã thu hút hơn 300 tác phẩm dự thi, trong đó 112 tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo ở các loại hình: báo in, báo điện tử, ảnh, truyền hình, đồ họa...

Các tác phẩm đều thể hiện sự dấn thân, vượt khó, đi đến cùng sự thật của đội ngũ phóng viên, biên tập viên TTXVN, thể hiện vị thế đi đầu của cơ quan thông tấn quốc gia trong việc thông tin những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước, dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Bằng những sản phẩm thông tin, TTXVN đã, đang tiếp tục đóng góp hiệu quả vào việc hướng dẫn dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội cho đất nước.

Phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn Độc lập và trong Hiến pháp. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu và đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm thực thi quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Vậy mà lâu nay, các thế lực thù địch, phản động vẫn sử dụng vấn đề nhân quyền như một thứ vũ khí, một vỏ bọc cho các hoạt động chống phá, chuyển hóa Việt Nam theo phương thức "diễn biến hòa bình," với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt và nguy hiểm.

Các thế lực cực đoan, tổ chức phản động... thường xuyên đưa ra đánh giá thiếu khách quan với những thông tin sai lệch, phiến diện, thậm chí cố tình xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận của Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế này, chùm 3 bài "Sự thật khách quan là câu trả lời đanh thép" của nhóm tác giả: Đặng Thị Hồ Phương, Hà Thị Phương Oanh, Trần Thanh Bình, Trần Phương Hà (Ban biên tập Tin Thế giới-TTXVN) đã phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề bảo đảm quyền con người của Việt Nam, qua đó khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người một cách toàn diện, nhất quán.

Các bài viết "Sự ngụy tạo không thể phá hoại bức tranh toàn cảnh," "Cần chấm dứt những luận điệu 'đổi trắng thay đen,'" "Minh bạch thông tin là nền tảng tạo dựng niềm tin" nêu bật tính đúng đắn trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc đảm bảo quyền con người; khẳng định những thành tựu bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng… của Việt Nam, là thực tế không thể phủ nhận.

Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là sự công nhận của quốc tế đối với những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người, cả ở trong nước và trên thế giới.

Chùm bài với những lập luận sắc bén cùng ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, học giả, bạn bè quốc tế có cách nhìn nhận khách quan, đúng đắn về vấn đề thúc đẩy quyền con người của Việt Nam, qua đó góp thêm tiếng nói đanh thép phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

2022 cũng là năm hoạt động ngoại giao của Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đồng hành cùng các hoạt động ngoại giao trong năm, phóng viên TTXVN bám sát các sự kiện, xây dựng các chuyên đề thông tin về các sự kiện ngoại giao quan trọng, nổi bật.

Có thể kể đến chùm 5 bài: "Nghĩa tình kết nối hai bờ biên giới" nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào của nhóm tác giả Nguyễn Thu Phương, Dương Anh Tùng (Ban biên tập tin Trong nước-TTXVN).

Bài viết về nghĩa tình kết nối hai bờ biên giới Việt Nam-Lào.

Đại diện nhóm tác giả, phóng viên Dương Anh Tùng chia sẻ: "Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" - những người dân Việt Nam-Lào gọi nhau là anh em một nhà, thân như ruột thịt. Tình đoàn kết đặc biệt đó gắn bó hai Đảng, hai Nhà nước, hai quốc gia, hai dân tộc vững bền qua thời gian và không ngừng phát triển.

Ở đôi bờ biên giới, người dân hai nước thật tự nhiên, lại càng thủy chung, "tối lửa, tắt đèn có nhau," trở thành "nhịp cầu" gìn giữ, gắn kết, vun đắp mối quan hệ vĩ đại giữa hai quốc gia, hai dân tộc, để cùng nhau kề vai sát cánh trên chặng đường mới.

[Tổng Giám đốc TTXVN: Đi đầu ứng dụng công nghệ trong tác phẩm báo chí]

Để thực hiện chùm tác phẩm, phóng viên đã thực hiện chuyến công tác đến các địa phương vùng biên giữa Việt Nam và Lào, như: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Sơn La (Việt Nam), Savanakhet, Louangphabang, Houaphanh (Lào), tìm hiểu câu chuyện về mối lương duyên của những đôi vợ chồng Việt-Lào, những câu chuyện về nghĩa tình giúp đỡ nhau thông qua "đối ngoại nhân dân," "đối ngoại biên phòng," bằng mô hình kết nghĩa "bản-bản"… giúp nhân dân nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả; giúp học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn được đến trường…

Những chuyến thực tế ở vùng biên giới hai quốc gia, cũng như qua trò chuyện, phỏng vấn, trao đổi với người dân, lãnh đạo tại các tỉnh, địa phương của Lào, đã cho thấy câu chuyện sinh động về ngoại giao kinh tế thúc đẩy kinh tế Lào phát triển bằng sự chí tình, mối quan hệ vô tư, trong sáng của Việt Nam..., phóng viên Dương Anh Tùng cho biết.

Kiên quyết loại bỏ tận gốc tham nhũng, tiêu cực

Không chỉ đấu tranh với các thế lực thù địch, công cuộc chống giặc "nội xâm" cũng được phóng viên TTXVN phản ánh rõ nét.

Chùm ba bài "Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng" của tác giả Vũ Thị Quỳnh Hoa nêu lên những dẫn chứng thời gian gần đây, đặc biệt là sau Đại hội XIII của Đảng và sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực; liên tục các vụ việc tiêu cực được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra trong các kỳ họp.

Thông qua bài viết, các hành vi tiêu cực được nhận diện, là cơ sở để làm sáng tỏ hơn việc thực hiện phòng và chống tiêu cực. Tác giả cũng đã đi sâu phân tích nguyên nhân làm suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, bắt nguồn từ "căn bệnh cá nhân chủ nghĩa."

Cũng thông qua bài viết, tác giả đã nêu lên quyết tâm loại bỏ tiêu cực - trở lực của sự phát triển của đất nước. Với sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới các địa phương, việc xác định rõ và kiên quyết loại bỏ từ gốc những biểu hiện, hành vi tiêu cực, sẽ ngăn chặn được mầm mống của tham nhũng, qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những tuyến tin, bài thời sự, phóng viên TTXVN cũng đi sâu vào thực tế đời sống xã hội, phản ánh những vấn đề còn vướng mắc, bất cập. Chùm 3 bài "Hơn 10.000 sổ đỏ tại Sóc Sơn bị cấp sai hạn mức" của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Khánh, Nguyễn Văn Cảnh (Cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Nội) đã cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán, cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.

Nhóm tác giả đã phản ánh những tâm tư, trăn trở của một số người dân huyện Sóc Sơn đang làm đơn xin "hạ" hạn mức trong sổ đỏ. Các nhân vật trong bài là đại diện cho hàng nghìn hộ dân ở huyện Sóc Sơn đang ở cảnh "khóc dở, mếu dở" do sổ đỏ sai hạn mức.

Sau khi loạt bài được đăng tải, ngày 1/3/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Thanh tra thành phố chủ trì vào cuộc làm rõ thông tin TTXVN nêu, trả lời dư luận theo quy định.

Đến hết tháng 12/2022, toàn huyện Sóc Sơn ghi nhận khoảng 200 hộ dân được điều chỉnh hạn mức sổ đỏ về đúng quy định. Để tiếp tục tháo gỡ những tồn tại, huyện Sóc Sơn đã xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục điều chỉnh mục đích sử dụng đất (điều chỉnh hạn mức đất ở). Quy trình được niêm yết công khai, thông tin thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của các xã để người dân nắm, thực hiện.

Cách nhìn bao quát, toàn diện về một vấn đề

Chùm 4 bài "An ninh lương thực - Cuộc khủng hoảng nối dài" của nhóm tác giả Đỗ Phương Nga, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Thu Hà, Bùi Xuân Anh, Đặng Công Mạo (Ban biên tập tin Kinh tế và các cơ quan thường trú tại Cairo, London, Paris, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang) với cách xây dựng đề tài, mối liên hệ, phối hợp thông tin từ Ban biên tập với các cơ quan thường trú ở trong nước và nước ngoài, đã tạo nên tác phẩm có nội dung xuyên suốt, đề cập cả tình hình thế giới và Việt Nam. 

Phóng viên Đỗ Phương Nga cho biết là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, nền kinh tế có độ mở cùng với nhiều lợi thế về lao động và dịch vụ kho vận (logistics), Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Thông qua chùm bài này, độc giả sẽ có được bức tranh toàn cảnh về thực trạng an ninh lương thực ở cả Việt Nam và thế giới, những "lỗ hổng" trong cuộc chiến chống khủng hoảng lương thực; các giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề.

Ngoài việc thu thập, tìm hiểu thông tin từ các nguồn khác nhau, các tác giả của chùm bài đã phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn độc quyền đối với những chuyên gia trong lĩnh vực an ninh lương thực của cả Việt Nam và thế giới, như: Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam Rémi Nono Womdim; tiến sỹ Lương Tuấn Anh, giảng viên kinh tế thuộc Đại học De Monfort (Leicester, Vương quốc Anh); chuyên gia kinh tế Safwat Wl Alfy, Tổng thư ký Phòng Thương mại tỉnh Biển Đỏ của Ai Cập...

Đồng thời, với sự tham gia của phóng viên các cơ quan thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang, chùm bài viết đã đề cập đến những nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam. 

Theo phóng viên Đỗ Phương Nga, việc phối hợp giữa các ban biên tập và các cơ quan thường trú mang đến những thông tin bao quát, thực tế, toàn cảnh về một vấn đề. Đây cũng là thế mạnh của cơ quan thông tin chủ lực như TTXVN, với mạng lưới các cơ quan thường trú trong và ngoài nước. 

Giải thưởng Báo chí TTXVN năm 2022 cũng đánh dấu sự chuyển biến trong thông tin đồ họa. Chùm bài "Việt Nam trở thành điểm sáng trong 'bức tranh xám màu' của kinh tế toàn cầu" của nhóm tác giả: Lê Thị Thanh Hương, Phạm Thanh Hương, Trịnh Minh Duyên, Lê Thị Hương, Ngô Huy Ngọc (Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa) được thực hiện trên cả 3 loại hình: đồ họa tĩnh, đồ họa động, đồ họa tương tác. Điều đặc biệt là các đồ họa tương tác (interactive) và đồ họa động (videographics) là do biên tập viên thực hiện từ text đến hình, rất đẹp mắt, chuyên nghiệp.

Phát triển sản phẩm mới, đa phương tiện

Một điểm mới trong Giải thưởng Báo chí TTXVN là sự tham gia của sản phẩm thông tin mới của Báo Tin Tức - Tin tức TV. Điều này thể hiện sự nỗ lực cố gắng của đơn vị trong việc phát triển mô hình đa phương tiện, đào tạo nên những phóng viên đa năng, vừa quay phim, chụp hình, vừa viết tin, bài, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và xu hướng truyền thông mới.

Talk show "Sửa đổi Luật Đất đai vì lợi ích quốc gia và người dân" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, Lê Trung Nguyên (Báo Tin Tức) được thực hiện với các vị khách mời gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ); ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Talk show được tổ chức trước thời điểm Quốc hội họp để cho ý kiến về dự thảo luật, đề cập, trao đổi, phân tích vấn đề từ các góc độ: đơn vị trực tiếp xây dựng dự án luật là Bộ Tài Nguyên và Môi trường, góc nhìn của đại biểu quốc hội, chuyên gia về lĩnh vực đất đai, giúp người dân cũng như doanh nghiệp hiểu được lợi ích của việc sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời cũng là những góp ý để Bộ trưởng trực tiếp ghi nhận, hoàn thiện dự thảo Luật tốt nhất.

Bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN, Chủ tịch Hội đồng giám khảo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đánh giá về chất lượng Giải thưởng Báo chí TTXVN năm 2022, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định giải thưởng là nơi hội tụ của các sản phẩm báo chí mới được phát triển trên nền tảng số, rất phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện nay.

Về nội dung, thông tin được truyền tải một cách sinh động bằng nhiều loại hình, mang thông điệp rõ ràng, thống nhất từ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của toàn xã hội trong quá trình phục hồi, phát triển của đất nước; những giải pháp chính sách cho những vấn đề của xã hội; cũng như những thông tin về một thế giới đang định hình với các quan hệ chiến lược mới.

Các sản phẩm dự thi đã cho thấy các đơn vị trong toàn ngành đã phát huy được vai trò, thế mạnh đặc trưng trong "binh chủng" thông tin của cơ quan thông tấn quốc gia. Các ban biên tập thông tin nguồn đã phát huy được vai trò nòng cốt trong xây dựng các tuyến thông tin trọng điểm.

Các đơn vị, các cơ quan thường trú trong và ngoài nước đã coi việc phối hợp là những điều kiện cần để có thể tạo ra những sản phẩm báo chí liên vùng, các sản phẩm báo chí có quy mô quốc gia, hay là phản ánh một vấn đề khu vực, một vấn đề toàn cầu,... từ đó, góp phần khẳng định thế mạnh của TTXVN. Bên cạnh hệ thống giải thưởng chính thức, còn có giải thưởng chuyên đề.

Giải thưởng chuyên đề năm nay để dành vinh danh cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về xây dựng Đảng, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hay sự dấn thân của các phóng viên trong tác nghiệp đa năng, tôn vinh những nỗ lực, cống hiến của tất cả các lực lượng làm thông tin trong toàn ngành.

Đã chọn nghề báo, đòi hỏi chúng ta phải có sự dấn thân, sự đổi mới và quan trọng hơn nữa là có bản lĩnh vượt qua những khó khăn, thách thức, cũng như vượt qua chính bản thân mỗi ngày. Nỗ lực bền bỉ và sự sáng tạo sẽ giúp mỗi người làm báo tạo ra những tác phẩm báo chí ngày càng có chất lượng cao hơn. Đây cũng chính là đóng góp trong việc khơi nguồn cảm hứng cho sự nghiệp đổi mới, phát triển và xây dựng đất nước, hoàn thành nhiệm vụ của Cơ quan Thông tấn Quốc gia, Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục