Giải thích nguyên nhân người dân Séc "sợ" đồng euro

Giải thích nguyên nhân người dân Cộng hòa Séc "sợ" đồng euro

Cộng hòa Séc là một trong số 9 nước thành viên EU chưa chuyển sang khu vực đồng euro và cho đến thời điểm này đa số người dân vẫn còn lưu luyến với đồng koruna truyền thống.
Giải thích nguyên nhân người dân Cộng hòa Séc "sợ" đồng euro ảnh 1Người dân Séc níu giữ đồng koruna vì yếu tố tâm lý (Nguồn: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN, Cộng hòa Séc là một trong số 9 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chưa chuyển sang khu vực đồng euro và cho đến thời điểm này đa số người dân vẫn còn lưu luyến với đồng koruna truyền thống.

Vì sao Cộng hòa Séc chưa tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu? Có phải là thái độ không muốn chia sẻ với các thành viên khác của EU, hay là sự bảo thủ tâm lý?

Tiến sỹ Rudolf Kučera, nhà nghiên cứu chính trị, Chủ tịch Hiệp hội Liên châu Âu của Séc, vừa lý giải trên đài Radio Praha vì sao người Séc rất sợ phải buông tay khỏi "cọc neo koruna."

Khi một nước gia nhập EU thì việc sử dụng đồng euro không phải là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, tất cả các nước thành viên đều phải cố gắng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Hiệp ước Maastricht. Còn bao giờ đáp ứng được thì tùy từng nước và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thời gian qua Cộng hòa Séc liên tục khất lần trong việc chuyển sang sử dụng đồng euro. Theo tiến sỹ Kučera, vai trò chính là dư luận xã hội. Người dân chịu sự tác động của đủ loại thông tin nhiễu nên rất ngại dùng euro - sợ giá cả tăng cao.

Các chính khách thì nương theo dư luận xã hội, không ai có đủ dũng khí để nói rằng chuyển sang đồng euro là điều cần thiết và cần phải sớm thực hiện điều này.

Ngoài việc lần lữa với đồng euro thì về các tiêu chí khác của Hiệp ước Maastricht Cộng hòa Séc đều đáp ứng được, chẳng hạn thâm hụt ngân sách dưới 3%, nợ công dưới 60%.

Tại Cộng hòa Séc, các chính khách đều chống lại đồng euro bởi đây là vấn đề chính trị nhạy cảm. Đồng euro là một dự án kinh tế-chính trị. Đây là ý tưởng liên kết các nước châu Âu bằng một đồng tiền chung để tránh tình trạng vẫn thường diễn ra - đồng tiền riêng của các quốc gia lúc lên lúc xuống gây ra những thiệt hại kinh tế.

Đồng euro cũng là một kế hoạch chính trị rất quan trọng​ nhằm hướng các quốc gia đang sử dụng một đồng tiền chung tích cực hơn trong việc liên kết chính trị.

Tuy nhiên, ở Séc và một số nước, do dư luận xã hội từ chối euro nên các chính khách cũng sợ đề xuất sử dụng euro.

Nhưng ở các nước Baltic mới gia nhập EU thì diễn ra điều ngược lại - yếu tố chính trị lại đóng vai trò tích cực. Do lo ngại ảnh hưởng của nước Nga nên họ muốn gia nhập khu vực đồng tiên euro sớm. Họ cho rằng một khi đã liên kết chặt chẽ với EU thì sẽ thoát vòng kiềm tỏa của Nga .

Người dân Séc ngại tiêu đồng tiền euro bởi sợ mất đi những gì họ khó nhọc chắt chiu được. Họ là "người trần mắt thịt" nên nỗi lo sợ cũng rất "đời thường."

Cộng hòa Séc đã đạt được mức sống cao hơn trước và dân chúng không muốn trở lại như cũ. Người dân e ngại đồng euro đe dọa "hòn đảo Séc nhỏ bé nhưng an lành." Chỉ có những tiếng nói lẻ tẻ cất lên: "Euro không đe dọa nền kinh tế của chúng ta!"

Có thể có sự biến động giá cả nho nhỏ như từng xảy ra ở các nước khác vào thời kỳ đầu áp dụng euro. Nhưng tình hình sẽ nhanh chóng ổn định trở lại khi đồng lương được tăng lên để bù đắp.

Việc sử dụng đồng euro là có lợi cho nền kinh tế, các doanh nhân hiểu rõ điều này. Các nhà xuất khẩu càng được hưởng lợi hiển nhiên. Yếu tố chính trong việc từ chối đồng euro có lẽ là "bản tính của người Séc."

Tiến sỹ Kučera khẳng định, trong số các nước đã chuyển sang sử dụng euro không có quốc gia nào muốn trở lại với đồng tiền cũ.

Có thể ở một vài nước những thế lực chính trị nào đó lên tiếng đòi từ bỏ euro, chẳng hạn như Hy Lạp. Vấn đề này được người Hy Lạp bàn luận tưng bừng. Nhưng khi cần phải quyết định thì dư luận xã hội vẫn hướng về việc ở lại khu vực đồng tiền chung.

Người Hy Lạp hiểu rằng chính euro gắn kết họ với EU và việc trở lại đồng tiền riêng là thảm họa. Bất cứ nhà kinh tế nào cũng có thể nói chắc như vậy.

Do đó tương lai của đồng euro không hề ảm đạm. Những ai tiên đoán về sự cáo chung của đồng euro đã sai lầm - ngày càng có nhiều quốc gia hơn tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong thái độ ứng xử đối với đồng euro thì Cộng hòa Séc chịu sức ép đáng kể từ phía Cộng hòa Liên bang Đức.

Thủ tướng Angela Merkel nhiều lần kiên quyết khuyến cáo Chính phủ Cộng hòa Séc nhanh chóng tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu. Do nền kinh tế Séc gắn bó chặt chẽ với Đức nên hai nước sẽ có lợi hơn nếu cùng sử dụng đồng euro.

Theo dự đoán của tiến sỹ Kučere, trong bối cảnh kinh tế châu Âu hiện nay thì Cộng hòa Séc sẽ sử dụng đồng euro sau hai năm nữa.

Theo đài Radio Praha, trong thâm tâm nhiều người Séc hiểu rằng việc chuyển sang dùng euro là một tiến trình không thể tránh khỏi và về mặt lý trí họ đang giã từ "đồng koruna yêu dấu."

Nên lưu ý rằng hiện tại hơn 320 triệu người châu Âu đang sử dụng euro và gần 100 tỷ đồng euro đang được lưu hành. Điều này có nghĩa là trên thế giới đồng euro đang chu chuyển nhiều hơn đồng​ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục