Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn vừa ký quyết định về việc giải thể Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Quyết định nêu rõ Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thực hiện và hoàn thành các nghĩa vụ (nếu có), việc giải quyết tài sản, tài chính và các thủ tục giải thể Hội theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật có liên quan và Điều lệ Hội.
Chủ tịch Hội và cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm pháp luật và Điều lệ Hội về việc giải quyết tài sản, tài chính của Hội khi giải thể.
Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 có trách nhiệm nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và chấm dứt tồn tại sau khi đã hoàn thành quy định trên.
[Đại lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sỹ tại tỉnh Quảng Trị]
Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được Bộ Nội vụ cho phép thành lập bằng quyết định phê duyệt điều lệ vào tháng 4/2014, do ông Lê Xuân Tánh, nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị làm Chủ tịch.
Trong quá trình vận động thành lập hội, ông Tánh đã bị nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị phản ánh, tố cáo là giả danh chiến sỹ thành cổ, lợi dụng biểu tượng này phục vụ lợi ích cá nhân.
Sau khi thành lập, Thường vụ Ban Chấp hành Hội tiếp tục bị tố cáo về hàng loạt dấu hiệu vi phạm, giả mạo, nhất là trong công tác thông tin, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ.
Tháng 5/2016, Bộ Quốc phòng đã kiểm tra và kết luận Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị có hàng loạt sai phạm như không báo cáo Cục Chính sách Bộ Quốc phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 - cơ quan chuyên trách về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về kết quả thông tin, tìm kiếm, cất bốc quy tập hài cốt liệt sỹ.
Hội cũng không trao đổi, phối hợp, báo cáo công việc này với các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị, không có biên bản bàn giao hài cốt, hồ sơ, tài liệu nào chứng minh Hội đã thực hiện việc cất bốc hài cốt liệt sỹ.
Kết luận kiểm tra của Bộ Nội vụ tại Thông báo số 5921/TB-BNV ngày 28/11/2019 cho thấy Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 có nhiều vi phạm về tổ chức, hoạt động, cũng như trong việc chấp hành chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về tổ chức, Hội cũng không quản lý, lưu trữ hồ sơ kết nạp hội viên tại trụ sở, vi phạm chính Điều lệ của Hội khi mở rộng đối tượng tham gia tới tất cả “cán bộ, nhân dân các địa phương.”
Hậu quả là số lượng thành viên tăng lên gần 32.000 người, không đúng đối tượng. 22 tổ chức có tư cách pháp nhân mà Hội cho rằng thuộc mình để báo cáo với các cấp, các ngành cũng không đúng với quy định.
Trong quá trình hoạt động, Hội chưa ban hành các quy chế, quy định về quản lý, sử dụng con dấu, khen thưởng, kỷ luật, quy tắc đạo đức...
Hội báo cáo thành tích cung cấp hơn 3.000 thông tin liên quan đến liệt sỹ, gồm hơn 2.000 thông tin liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, xác minh kiểm tra hơn 1.800 hài cốt liệt sỹ và cùng các cơ quan chức năng cất bốc, quy tập 660 hài cốt, đưa về quê hương mai táng, song, đoàn kiểm tra đánh giá các hoạt động này là không đúng theo các quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 7/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Nội vụ có văn bản thông báo cho cơ quan báo chí về kết quả kiểm tra, xử lý các nội dung tố cáo liên quan đến Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Trên cơ sở kết luận kiểm tra, căn cứ Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45, Bộ Nội vụ đã dự thảo quyết định giải thể Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị, gửi lấy ý kiến các Bộ Quốc phòng, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính...
Bộ Nội vụ cũng đã làm việc với lãnh đạo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Các cơ quan này đều đồng tình, ủng hộ phương án giải thể Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 mà Bộ Nội vụ đưa ra./.