Chiều 6/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để giải quyết vướng mắc trong thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó Trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại Ủy ban Nhân dân cấp xã.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tiến hành các thủ tục, thông báo hướng dẫn để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội đối với Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó Trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại Ủy ban Nhân dân cấp xã.
Đối với những người còn đang làm việc, các cơ quan đang sử dụng lao động tiếp tục có trách nhiệm đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định. Những người không có hợp đồng lao động được khuyến khích tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo diện tự nguyện để đáp ứng các yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Những người chưa có khả năng đóng tiếp bảo hiểm xã hội được giữ nguyên kết quả đóng bảo hiểm xã hội trước đó. Theo quy định của pháp luật, những người này cũng có quyền hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành khuyến khích không nên rút 1 lần mà nên đóng tiếp để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
[Dự toán hơn 100.000 tỷ đồng chi khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế]
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết trước ngày 1/1/2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực, chính sách về đóng bảo hiểm xã hội đối với Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó Trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại Ủy ban Nhân dân cấp xã có những thay đổi khác nhau, có giai đoạn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng có những giai đoạn không thuộc diện nêu trên.
Tuy nhiên, sau khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó Trưởng công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại Ủy ban Nhân dân cấp xã thuộc diện tham bảo hiểm xã hội bắt buộc. Những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho đến khi chuyển sang diện không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoảng trên 10.000 người), không được tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó để được hưởng chế độ, quyền lợi theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, các bộ, ngành đề xuất giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc theo đúng nguyên tắc đóng-hưởng của bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho những người đã đóng hoặc tiếp tục đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt được hưởng lương hưu khi về già./.