Giải quyết việc làm cho 573.500 người lao động trong 6 tháng đầu năm

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ tiêu tạo việc làm trong 6 tháng đầu năm thấp hơn khoảng 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000-80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo kết quả  thực hiện 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ước tính trong 6 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho 573.500 người lao động, đạt 35,6% kế hoạch và bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm, tạo việc làm trong nước được 540.000 người, đưa 33.500 người đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại khu vực thành thị quý 2 ước tính trên 4%.

Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến thị trường lao động Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong tháng Năm và đầu tháng Sáu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dần trở lại bình thường tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn nên tiếp tục có ảnh hưởng đến lao động, việc làm. Ước tính từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000-80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động.

[Pou Yuen Việt Nam sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với gần 2.800 người]

Ở một số thành phố lớn, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vẫn diễn ra các hoạt động giới thiệu việc làm; các sàn giao dịch việc làm chưa tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp nhưng đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, tập trung nhiều ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch COVID-19.

Trpng 6 tháng cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động và cung ứng nhân lực trên thị trường lao động. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện rà soát các quy định của pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án hỗ trợ, thực hiện các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục