Để xóa các "điểm đen" ùn tắc giao thông trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang triển khai đồng bộ 6 giải pháp để xóa bỏ các điểm ùn tắc giao thông; trong đó có nhiều giải pháp đã phát huy tốt hiệu quả góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Giải pháp tổng thể
Nhận thức được nguy cơ ùn tắc giao thông, Ủy ban nhân thành phố đã trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV (kỳ họp thứ 14 từ ngày 1/12/2015 đến ngày 4/12/2015) ban hành Nghị quyết số 06/2015/NQ - HĐND ngày 1/12/2015 về “Ban hành chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” với 4 nhiệm vụ chủ yếu và 10 giải pháp cụ thể.
Ủy ban nhân dân thành phố cũng trình Thành Ủy ban hành Chương trình số 06 - CTr/TU ngày 29/6/2016 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”; trong đó lấy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá kết hợp với thực hiện đồng bộ 6 giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, thành phố đang triển khai 6 giải pháp, bao gồm Thứ nhất là tập trung thực hiện các danh mục thuộc chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Thứ hai là tổ chức duy tu, bảo trì đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông được an toàn; thường xuyên rà soát các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông và điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp với lưu lượng thực tế để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Thứ ba tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng với chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân.
[Giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Xóa điểm cũ, điểm mới phát sinh]
Thứ tư là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông như xử phạt qua hệ thống camera giám sát an toàn giao thông; ứng dụng phần mềm GovOne trong quản lý, duy tu, duy trì kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai ứng dụng dịch vụ Iparking tại các điểm trông giữ phương tiện công cộng trên địa bàn thành phố...
Thứ năm là tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cung cấp thông tin kịp thời phát huy hiệu quả tuyên truyền. Thứ sáu là tăng cường xử phạt các vi phạm, kiểm tra, xử lý quản lý vận tải hành khách, vận tải hàng hóa với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Các giải pháp tổng thể cho giai đoạn trước mắt và lâu dài đang được các cấp, các ngành của thành phố từng bước triển khai nhằm giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông vốn là căn bệnh kinh niên của các đô thị nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Kết quả bước đầu
Bằng việc triển khai đồng bộ 6 giải pháp, từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải thành phố phối hợp với các lực lượng Cảnh sát Giao thông và các đơn vị có liên quan đã xóa bỏ được 2/34 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm như Ngã tư Châu Văn Liêm-Lê Quang Đạo; khu vực ngã ba Ngọc Hồi-Phan Trọng Tuệ.
Thành phố đang tiếp tục triển khai các phương án đã xây dựng với mục tiêu giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2020.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, đến giữa năm 2019, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã tập trung xử lý dứt điểm được 6 "điểm đen" ùn tắc tại nút giao Láng-Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Khang-cầu 361; cầu Mọc; khu vực đường vành đai 3 trên cao - Pháp Vân-Giải Phóng; Hồ Tùng Mậu-Lê Đức Thọ; ngõ 80,82,84 Chùa Láng.
Kết quả này có được nhờ việc tổ chức thực hiện bổ sung nhiều biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đèn đối với 15/21 điểm; lắp đặt thiết bị radar tại 2 nút giao thông Trung Kính-Mạc Thái Tổ và Phạm Văn Bạch-Dương Đình Nghệ phục vụ thu thập thông tin tín hiệu tại các nút giao thông điển hình.
Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành 23/30 công trình giao thông, góp phần giảm tải cho nhiều khu vực.
Cùng đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân các quận tổ chức rà soát, đề xuất danh mục xén dải phân cách, cải tạo đảo giao thông, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 quận với tổng số 15 tuyến đường, 5 đảo giao thông, 7 hầm chui dân sinh, 3 nút giao thông để tổ chức giao thông…
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đang kiến nghị giao các quận địa bàn đẩy mạnh lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 12 điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông gồm Bắc cầu Chương Dương; nút giao Phạm Văn Đồng với các tuyến Trần Quốc Hoàn, Cổ Nhuế; khu vực đường gom từ Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; nút giao Âu Cơ-Nghi Tàm; Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Hữu Thọ; La Thành-Giảng Võ; Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến; Điện Biên Phủ-Trần Phú; đường Trường Chinh (Tôn Thất Tùng-Ngã Tư Sở), lối lên đường vành đai 3 trên cao (khu vực tòa nhà Thăng Long) và đường 70 giao với đường khu tưởng niệm Chu Văn An.
Các nút giao thông là điểm nóng ùn tắc gồm Trần Quốc Hoàn-Phạm Văn Đồng; Cổ Nhuế-Phạm Văn Đồng; cầu Lạc Trung-Kim Ngưu-Thanh Nhàn; Phùng Chí Kiên-Hoàng Quốc Việt; Ngọc Hồi-Phan Trọng Tuệ; Âu Cơ-Nghi Tàm-Xuân Diệu; Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Hữu Thọ; Linh Đường-Nguyễn Hữu Thọ; La Thành-Giảng Võ; Điện Biên Phủ-Trần Phú; Minh Khai-ngõ Gốc Đề; Đào Tấn-Nguyễn Văn Ngọc; Kim Mã-Liễu Giai-Nguyễn Chí Thanh; Liễu Giai-Đào Tấn; Hồ Tùng Mậu-Lê Đức Thọ; Minh Khai-cầu Mai Động; Châu Văn Liêm-Lê Quang Đạo; nút giao Ngã Tư Sở; Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến; nút giao đường 70 với đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An.
Các điểm, cầu thường xuyên tắc nghẽn gồm Chương Dương; cầu Tó; khu vực điểm quay đầu Trung Văn-Tố Hữu; hai đầu cầu vượt Lê Văn Lương-Láng Hạ; ngã tư Canh; dốc Vĩnh Hưng; điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng; lối lên đường vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One.
Các tuyến đường thường xuyên ùn tắc gồm đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; đường Trường Chinh (Tôn Thất Tùng-Ngã Tư Sở); đường Nguyễn Khoái (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến đường vành đai 1).
Nguyên nhân gây ùn tắc chủ yếu là do mật độ giao thông lớn trong khi tiết diện mặt đường lưu thông hẹp, tổ chức giao thông còn hạn chế và ảnh hưởng từ các dự án đang triển khai.
Thời gian tới, cùng với các biện pháp triển khai như cải tạo, nâng cấp hạ tầng nút giao, xây dựng lại phương án tổ chức giao thông, tăng cường lực lượng điều tiết, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo đẩy nhanh các dự án trọng điểm.
Cùng với các biện pháp tổ chức giao thông, thời gian tới, thành phố cũng sẽ tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối như xây dựng khép kín hệ thống đường vành đai (từ vành đai 1 đến vành đai 4); các tuyến quốc lộ, các trục hướng tâm: Trục tây Thăng Long; trục phía Nam; trục Hà Nội-Xuân Mai; trục Tứ Liên-đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên...
Bên cạnh đó, thành phố cũng đầu tư xây dựng 8 cầu qua sông Hồng, sông Ðuống theo quy hoạch. Ngoài ra, thành phố tập trung đầu tư cải tạo 6 nút giao thông trọng điểm gồm nút giao Nguyễn Văn Huyên; hầm chui Lê Văn Lương; hầm chui đường vành đai 2,5 với Quốc lộ 1A; nút giao đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long, nút giao đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường vành đai 3 và nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch. Ðồng thời tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Ðông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn-ga Hà Nội) trong năm 2021.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi./.