Giải quyết tình trạng thiếu lao động giúp doanh nghiệp đón đà phục hồi

Dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã buộc người lao động phải tìm công việc khác để làm, hoặc rời các khu công nghiệp về quê, khiến doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động sau khi dịch được kiểm soát.
Giải quyết tình trạng thiếu lao động giúp doanh nghiệp đón đà phục hồi ảnh 1Công nhân làm việc trở lại sau thời gian giãn cách tại Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song trong tháng 8, cả nước vẫn có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới và 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 11,4 vạn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với tổng số lao động đăng ký là gần 60 vạn người.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực cùng tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh đang đưa đến dự báo, từ nay đến cuối năm, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp thì nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn.

Trước tình hình đó, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp đón đà phục hồi kinh tế.

Hướng khắc phục nghịch lý cung cầu lao động

Đợt giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua để phòng, chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập.

Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc.

Theo nhận định của các chuyên gia lao động, dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã buộc người lao động phải tìm công việc khác để làm, hoặc rời các khu công nghiệp về quê, khiến doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung-cầu lao động. Đó là các thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ đứng trước vấn đề nghiêm trọng là thiếu hụt lao động để phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong khi đó ở một số địa phương người lao động trở về lại dư thừa nhân lực.

[Gần 18 triệu người được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19]

Để giải quyết nghịch lý nơi thừa, nơi thiếu lao động, theo tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm rất cần được tăng cường để đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động trong giai đoạn này.

Còn về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững. Để đạt được điều đó, cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động, giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn.

Nhận định về cung cầu của thị trường lao động thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, có tín hiệu lạc quan khi tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh, dịch bệnh đã dần được kiểm soát, tình hình giãn cách xã hội đã dần được nới lỏng, thị trường lao động có cơ hội để phục hồi.

Nhu cầu hàng hóa sẽ trở nên cấp bách với nhiều doanh nghiệp khi từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng thời gian ngắn. Sau giãn cách, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, từ đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh trở lại.

Trước tình trạng này, thông tin từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, Cục đã yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến. Việc này không chỉ trong phạm vi tỉnh, thành phố mà có sự kết nối giữa các địa phương với nhau, đặc biệt là các địa phương có nhiều lao động quay trở về tránh dịch.

Đồng bộ hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi

Dù đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng nhiều thông tin cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn của các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vì lo thiếu lao động trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đồng thời đáp ứng tiến độ đơn hàng gấp.

Giải quyết tình trạng thiếu lao động giúp doanh nghiệp đón đà phục hồi ảnh 2Công ty Daikan Việt Nam, Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai từng bước khôi phục sản xuất, tăng tốc trở lại. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Trước bối cảnh đó, ngày 24/9, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố dự thảo phương án tổ chức phối hợp vận chuyển người lao động các tỉnh, thành phố về thành phố làm việc trong thời gian thành phố khôi phục hoạt động kinh tế trong tình hình mới. Đơn vị này đề xuất ba phương thức vận chuyển bằng đường bộ, chia thành 2 giai đoạn thực hiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan trước đó cũng đã đề nghị, mỗi doanh nghiệp cần ý thức trong việc giữ chân người lao động dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.

Về phía chính quyền, thành phố đang thực hiện ba nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế gồm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách phù hợp; thực hiện chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động; hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trước ngày 15/8. Điều này có vai trò quyết định đến việc bảo toàn nguồn nhân lực, góp phần phục hồi kinh tế khi dịch được kiểm soát.

Cũng nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động, "Chiến dịch 90.000 việc làm" do thành Đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phát động triển khai trong 6 tháng qua kết quả cho thấy, 90.656 thanh niên, sinh viên đã có việc làm, với 289.674 lượt ứng tuyển thành công, trung bình mỗi thanh niên được kết nối với 4 công việc phù hợp.

Chiến dịch đã hỗ trợ các trường cao đẳng, đại học kết nối thành công 9.835 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, bổ sung 97.853 cơ hội việc làm và thực tập chất lượng, vượt 8,6% kế hoạch đề ra. Chiến dịch đã mang tới các cơ hội việc làm đa dạng trên nhiều lĩnh vực như Công nghệ thông tin và IT phần mềm; kinh doanh, bán hàng...

Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã đề nghị thành phố ưu tiên tập trung các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Trong đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cùng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, triển khai các chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các địa phương, các cơ quan chức năng cũng đang tạo điều kiện để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, trong đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng vào giúp đỡ những đối tượng này được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm duy trì việc làm đang có, đồng thời tạo ra các vị trí việc làm mới.

Thông qua nhiều chính sách đang được triển khai, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, mức độ tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động, việc làm sẽ giảm dần, cả nước có thể đạt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hơn 1 triệu người lao động trong năm 2021.

Đặc biệt, nhằm hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tác động nặng nề đến người lao động, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ kết dư Quỹ với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trước đó, chiều 24/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (30.000 tỷ đồng).

Ngay cuối giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-UBTVQH15 để ban hành chính sách này, làm căn cứ để Chính phủ tổ chức thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục