Giải quyết tình trạng tái ô nhiễm kênh, rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh

Do nhiều nguyên nhân, một số tuyến kênh sau một thời gian cải tạo xuất hiện tình trạng ô nhiễm trở lại, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và gây ra tình trạng ngập úng nặng khi mùa mưa đến.
Giải quyết tình trạng tái ô nhiễm kênh, rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Nhóm tình nguyện vì môi trường Sài Gòn Xanh dọn rác trên tuyến kênh bị ô nhiễm. (quận Tân Bình). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để cải tạo môi trường nước cho nhiều tuyến kênh, rạch lớn trên địa bàn với mong muốn góp phần thay đổi diện mạo đô thị của thành phố.

Do nhiều nguyên nhân, hiện nay, một số tuyến kênh sau một thời gian cải tạo xuất hiện tình trạng ô nhiễm trở lại, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và gây ra tình trạng ngập úng nặng khi mùa mưa đến.

Kênh, rạch tái ô nhiễm

Tháng 4/2015, công trình cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm (dài 6,8km, chạy qua các Quận 6, 11 và Tân Phú) với tổng kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khánh thành và đưa vào sử dụng. Dự án thực hiện nạo vét 300.000m3 bùn, khơi thông dòng chảy, đồng thời xây dựng gần 12km đường, xây lắp gần 8.000m cống bao thu gom nước thải.

Dọc theo tuyến kênh, những hàng cây xanh mát, các dụng cụ tập thể dục, ghế ngồi được lắp đặt phục vụ đời sống của người dân cùng nhiều pano, bảng hiệu... tuyên truyền về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, sau gần 8 năm, hệ thống kênh này đang có dấu hiệu ô nhiễm trở lại.

Anh Lê Hoàng Chương sinh sống ngay khu dân cư hướng ra kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Phường 11, Quận 6). Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, nước kênh nhiều đoạn chuyển màu đen kịt, có khi sủi bọt khí trắng xóa.

Ở một số đoạn, các loại rác như chai lọ, ly nhựa, hộp xốp, phế phẩm từ sinh hoạt… kết lại thành từng mảng nổi trên mặt nước, khiến nước có mùi tanh hôi khó chịu. Đặc biệt, khi Thành phố bước vào mùa mưa, rác từ hệ thống cống bị nước cuốn trôi ra kênh. Tình trạng ô nhiễm thêm nghiêm trọng.

Anh Chương chia sẻ, khi công trình cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm hoàn thành, người dân sống dọc bờ kênh có thời gian được hưởng bầu không khí trong lành, môi trường sạch đẹp. Thế nhưng, sau nhiều năm được cải tạo, tuyến kênh lại đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trở lại.

Nguyên nhân chủ yếu là do khu vực lân cận kênh có nhiều nhà máy sản xuất nhưng chưa có nhà máy xử lý nước thải. Nhiều nhà máy lắp đường ống xả thải thẳng xuống lòng kênh gây ô nhiễm. Một bộ phận người dân ý thức kém, ngang nhiên vứt rác sinh hoạt, xác động vật xuống kênh.

[Nhóm Bình Dương Xanh ngâm mình dọn rác, làm sạch kênh rạch]

Không riêng kênh Tân Hóa-Lò Gốm, một đoạn kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (dài gần 10km, chảy qua các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn) gần đây thường xuyên xuất hiện rác thải từ hệ thống cống đổ ra sau mỗi trận mưa lớn. Nước ở đoạn đầu kênh ở quận Tân Bình có màu đen, bốc mùi vào thời điểm mực nước xuống thấp. Từ đầu năm đến nay, hiện tượng cá chết đã xảy ra trên đoạn kênh này.

Cách đây 10 năm, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng cho Dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cùng hơn 554 tỷ đồng cho Dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, tạo cảnh quan trên tuyến kênh.

Giải quyết tình trạng tái ô nhiễm kênh, rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Nhóm tình nguyện vì môi trường Sài Gòn Xanh tại một điểm rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) bị rác ngập kín mặt nước. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Theo thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) - đơn vị đảm nhiệm công tác vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và kênh Tân Hóa-Lò Gốm, ước tính mỗi ngày, đơn vị này vớt khoảng 16 tấn rác gồm lục bình, rác sinh hoạt của người dân trên hai hệ thống kênh này.

Ông Huỳnh Minh Sơn, Trạm trưởng Trạm vớt rác trên kênh Tân Hóa-Lò Gốm (CITENCO) cho biết, rác thải trên các tuyến kênh chủ yếu là túi nylon, chai nhựa, lon nước ngọt, thậm chí còn có xác động vật và nhiều loại rác thải cồng kềnh như nệm giường, thùng nhựa... Rác tích tụ lâu ngày sẽ dồn lại thành đống lớn dính chặt vào nhau. Rác nếu không thu gom kịp thời sẽ gây tắc đường thoát nước khiến nước ngập mỗi khi mưa.

CITENCO tổ chức thu gom định kỳ 2 lần/ngày ở kênh Tân Hóa-Lò Gốm và mỗi ngày một lần ở kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm chưa cải thiện được do lượng rác xả ra mỗi ngày rất lớn.

Đại diện một số địa phương có kênh Tân Hóa-Lò Gốm và kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chảy qua như Quận 6, quận Tân Bình cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt  rác xuống kênh, rạch; ra quân tổng dọn vệ sinh, tổ chức tuần tra, giám sát, xử lý trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, trang bị camera giám sát kết hợp với an ninh trật tự và vệ sinh môi trường...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân lén lút xả rác. Thậm chí, có trường hợp ở nơi khác đến đổ rác xuống tuyến kênh trên địa bàn. Trong khi đó, lực lượng giám sát mỏng.

Xử lý triệt để

Nhằm xử lý triệt để tình trạng tái ô nhiễm tại các kênh, rạch sau cải tạo, ông Trần Minh Quân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Thành phố đang đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước để đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải dễ dàng, hiệu quả. Điều này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước thải trong quá trình xả vào kênh, rạch.

Về định hướng quy hoạch chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2020-2045, Thành phố đặt chỉ tiêu 80% đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường trong giai đoạn 2020-2025.

Theo ông Trần Minh Quân, hiện nay, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn là 193.350m3/ngày. Tỷ lệ nước thải được xử lý trên toàn Thành phố đạt 12,6%. Thành phố Hồ Chí Minh có ba nhà máy xử lý nước thải tập trung là: Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) với công suất xử lý 141.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa với công suất xử lý 30.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát (giai đoạn 1) với công suất  xử lý 15.000m3/ngày.

Giải quyết tình trạng tái ô nhiễm kênh, rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3Nhóm tình nguyện vì môi trường Sài Gòn Xanh dọn rác trên rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Bên cạnh đó, Thành phố còn có 4 trạm xử lý nước thải phi tập trung trong khu dân cư gồm: Trạm Xử lý nước thải Tân Quy Đông có công suất 500 m3/ngày; Trạm Xử lý nước thải Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có công suất 3.700 m3/ngày; Trạm Xử lý nước thải Khu tái định cư 17,3 ha có công suất 3.000 m3/ngày; Trạm Xử lý nước thải Khu tái định cư 38,4 ha (phường Bình Khánh, Quận 2) có công suất 150m3/ngày.

Nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 2) đã hoàn thành với công suất xử lý 469.000m3/ngày; dự kiến giúp nâng tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý trong năm 2023 lên 34%.

Dự kiến đến năm 2025, Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè hoàn thành với công suất 480.000m3/ngày. Hệ thống cống bao Tham Lương-Bến Cát được xây dựng hoàn chỉnh giúp phát huy công suất của Nhà máy Tham Lương-Bến Cát (công suất 131.000m3/ngày). Khi đó, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nâng lên 40,2%.

Riêng tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm, Thành phố đang mời gọi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải chung cho ba lưu vực gồm Tây Sài Gòn, Tân Hóa-Lò Gốm và Bình Tân. Hiện nước thải sinh hoạt đã được thu gom bằng hệ thống cống dọc tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý nước thải của nhà máy, cơ sở công nghiệp để đảm bảo quy trình xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Sở yêu cầu các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; dự án đầu tư thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án đầu tư có lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường phải lắp đặt Trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định, thời hạn hoàn thành đến 31/12/2024. Hiện nay, khoảng 100 trạm quan trắc nguồn thải đã kết nối, truyền dữ liệu về Sở.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố tổ chức chiến dịch tuyên truyền và giáo dục cộng đồng như, Ngày hội “Sống Xanh,” Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhằm góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, tầm quan trọng của việc giảm ô nhiễm kênh, rạch. Bởi tất cả các công trình, giải pháp sẽ là vô nghĩa nếu người dân vẫn tiếp tục xả rác trái quy định ra môi trường. Chỉ khi ý thức về bảo vệ môi trường của người dân được cải thiện tình trạng ô nhiễm kênh, rạch mới có thể được giải quyết triệt để./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục