Giải quyết thách thức khi xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp với Cơ quan Khí tượng Hoàng gia Anh tổ chức hội thảo quốc tế về xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam.
Ông Fergus McBean, Bí thư thứ nhất về Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Khí tượng Hoàng gia Anh tổ chức hội thảo quốc tế về xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam.

Hội thảo nhằm thúc đẩy cơ hội trao đổi học thuật với những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về biến đổi khí hậu và giải quyết những thách thức khi xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, kể từ khi Báo cáo đánh giá đầu tiên của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được công bố vào năm 1990, quá trình phát triển các kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực đã có những tiến bộ đáng kể, điển hình là Báo cáo đánh giá về biến đổi khí hậu lần thứ 6 (AR6) được công bố vào năm 2021.

Tiếp theo các kịch bản biến đổi khí hậu 2020 và dựa trên Báo cáo đánh giá về biến đổi khí hậu lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, bản cập nhật tiếp theo của các kịch bản biến đổi khí hậu, dự kiến công bố vào năm 2025 nhằm mục đích cung cấp các dự báo nâng cao cho khí hậu trong tương lai theo các kịch bản phát thải mới, kịch bản chia sẻ kinh tế-xã hội (SSP), tập trung vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là ở khu vực đô thị; mực nước biển dâng với khả năng ngập lụt ở cấp huyện.

Bản cập nhật này sẽ phù hợp với nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan để hỗ trợ phát triển bền vững và việc lập kế hoạch hiệu quả các chiến lược.

“Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đóng vai trò đầu mối quốc gia chịu trách nhiệm cập nhật thường xuyên các kịch bản biến đổi khí hậu 5 năm một lần theo quy định của Luật Khí tượng và Thủy văn. Theo kế hoạch, bản thảo đầu tiên của các kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật sẽ được hoàn thành vào quý 1 năm 2025. Bản thảo thứ hai dự kiến hoàn thành vào quý 2 năm 2025. Bản thảo cuối cùng sẽ được trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuối năm 2025,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà cho biết.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Đánh giá xu thế biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, Tiến sỹ Trần Thanh Thủy, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, từ số liệu quan trắc (phiên bản cập nhật năm 2025) thuộc Dự án cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, cho thấy, nhiệt độ lớn nhất và nhiệt độ nhỏ nhất trung bình năm đều có xu thế tăng ở hầu hết các vùng khí hậu của Việt Nam; trong đó nhiệt độ nhỏ nhất tăng mạnh hơn nhiệt độ lớn nhất.

Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở khu vực phía Bắc; số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước; trong đó, khu vực phía Bắc tăng mạnh hơn khu vực phía Nam.

Lượng mưa cực trị có xu thế giảm ở đa phần diện tích khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ và có xu thế tăng đa phần diện tích khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tổng lượng mưa năm, phía Bắc có xu thế giảm dưới 6%; phía Nam có xu thế tăng phổ biến từ 4-10%. Số xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có xu thế tăng nhẹ trong khi số xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng và đổ bộ vào Việt Nam có xu thế giảm nhẹ.

Tại hội thảo, các diễn giả nổi tiếng từ Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu khí tượng Nhật Bản, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận đến một số nội dung như: Tiến bộ trong mô hình hóa khí hậu; mở rộng các yếu tố khí hậu; phân tích các sự kiện cực đoan; dự báo khí hậu đô thị; lập bản đồ các thay đổi trên biển… để xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu sát thực tế nhất cho Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục