Giải quyết tận gốc vấn đề, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và quy định rõ trách nhiệm chủ trì giải quyết kiến nghị; đồng thời tăng cường vai trò giám sát thông qua những hoạt động cụ thể.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Giải quyết các “điểm nghẽn” phát triển kinh tế-xã hội

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, giải quyết các "điểm nghẽn" về phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đề ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách với 44 nội dung cụ thể. Đó là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; tại các Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác; tại các dự thảo luật trình Quốc hội...

Bên cạnh đó là các chính sách mới lần đầu được quy định với 4 nhóm vấn đề: Đầu tư; tài chính-ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, Ủy ban đề nghị, báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những thách thức, những tác động không thuận khi triển khai; chi tiết hơn về kết quả đầu ra; nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước; đến nguồn lực thực hiện…

Việc ban hành Nghị quyết cần lưu ý, cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng thời gian qua. Chính sách mới cần “mang tính đột phá," “vượt trội” theo đúng tinh thần Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81 của Quốc hội; song cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.

Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 5 quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 5 về nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật."

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành công phu, khoa học và cầu thị; đồng thời cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhận định so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này đã quy định nhiều nội dung trực tiếp để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời lược bỏ nhiều nội dung giao cho tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ban hành. Việc quy định như vậy là phù hợp để tăng hiệu lực áp dụng trực tiếp của luật và giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần cân nhắc việc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum), qua rà soát cho thấy, Điều 70 dự thảo Luật quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn gần tương tự Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn về sự cần thiết quy định thủ tục rút gọn, đặc thù về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại dự thảo luật so với Bộ luật Tố tụng dân sự.

Giải quyết tận gốc vấn đề

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều.

Việc xây dựng Luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đại diện Cơ quan thẩm tra cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ sự thống nhất giữa “Công trình quốc phòng," “khu quân sự” với khái niệm “Tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân” quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; phân biệt với “Công trình phòng thủ dân sự” trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự…

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật và các luật có liên quan để quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, trường hợp nào áp dụng luật có liên quan như Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…

Cũng trong chiều 26/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đa số đại biểu nhất trí việc thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội là đúng đắn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân; đồng thời hoan nghênh sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch.

Đây cũng là sự sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, không ngừng nâng cao chất lượng để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, gắn bó mật thiết và đồng hành với cử tri.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt các bộ, ngành, chưa được giải quyết dứt điểm.

[Cần có kênh đo lường sự hài lòng giải quyết kiến nghị của cử tri]

Đại biểu đề nghị cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và quy định rõ trách nhiệm chủ trì giải quyết kiến nghị, đặc biệt ý kiến liên quan đến chính sách; đồng thời tăng cường vai trò giám sát thông qua những hoạt động cụ thể.

“Khi triển khai các chính sách cần đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý, hợp tình ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại, khiếu kiện. Trong quá trình thực hiện, càng cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện độ vênh, vướng mắc và có cơ chế điều chỉnh, bổ sung kịp thời," đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.

Đánh giá cao những nỗ lực của Ban Dân nguyện trong tiếp nhận, tổng hợp, rà soát, đôn đốc trả lời kiến nghị thời gian qua, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho biết việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Nam phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh: “Việc trả lời một số bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, mang tính viện dẫn mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể như một số vụ việc kiến nghị giải quyết cho người có công, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi. Điều này khiến cử tri cảm thấy không thỏa đáng. Khi nhận các văn bản trả lời, một số văn bản trả lời không mang tính hướng dẫn, giải quyết, điều mà cử tri đang trông chờ. Một số cơ quan, ban, ngành trả lời không đúng trọng tâm, trọng điểm."

Để công tác giải quyết kiến nghị cử tri hiệu quả, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị, đối với những vấn đề mang tính sự vụ như xử lý chế độ chính sách cho người có công hay kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục địa phương đang bế tắc, cần có hướng dẫn cụ thể, rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết để cử tri các sở, ngành liên quan áp dụng được, giải quyết tận gốc vấn đề…

“Phải giải quyết chứ không chỉ trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri," đại biểu nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục