Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng (hơn 4.500 tỷ đồng) so với năm 2019.
Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1Đoàn đại biểu Quốc hội Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 22/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng

Trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tính đến hết ngày 31/3/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện (27 nghị định, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 35 thông tư).

Trong năm 2020, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019. Đáng chú ý, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (27/27 thủ tục), kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2020, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận, giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã chấp hành truy đóng số tiền 145,5 tỷ đồng (đạt 98%). Sau kết luận thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã khắc phục 831/1.358 tỷ đồng còn phải thực hiện (tương đương 61%); đã thu hồi về Quỹ bảo hiểm xã hội 5 tỷ đồng (đạt 96%); thu hồi về quỹ bảo hiểm thất nghiệp 271 triệu đồng (đạt 11%).

Đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hết ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 16,2 triệu người, bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu năm 2020. Tuy nhiên, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng (tương ứng 19,9%) so với năm 2019, chiếm 4,4% số phải thu.

Năm 2020 có hơn 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, với tổng số tiền thu bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,3 triệu người, giảm hơn 54.400 người (tương ứng 0,4%) so với năm 2019. Số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp khoảng gần 18,7 tỷ đồng, tăng 1.254 tỷ đồng (tương ứng 7,2%) so với năm 2019.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng (hơn 4.500 tỷ đồng, tương ứng 35,7%) so với năm 2019.

[TP.HCM: Hơn 111.000 lao động hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp]

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tổng số kết dư đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội đến 31/12/2020 khoảng 898.000 tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019). Năm 2020, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cắt giảm, tiết kiệm được hơn 1.689 tỷ đồng so với dự toán kinh phí được giao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 1/1/2021; kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trên thực tế, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân do số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tăng cao. Nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…

Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết  Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các luật. Tuy nhiên, một số chính sách, quy định được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Ủy ban cho rằng việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016-2020 còn vẫn ở mức thấp, mới thu hồi 25,2% của tổng số tiền phải thu hồi; tại một số ít địa phương, vẫn còn tình trạng chưa linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ.

Theo báo cáo của Chính phủ việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra và chiếm tỷ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; dự kiến đạt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc phát triển lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, nếu không tính đến tác động của đại dịch COVID-19 và việc Tổng cục Thống kê thay đổi cách tính lực lượng lao động (không tính nhóm đối tượng tự sản, tự tiêu vào lực lượng lao động) sẽ không đạt được mục tiêu này.

Về tình hình thu bảo hiểm xã hội, một số ý kiến cho rằng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 6,25% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019. Mức lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp tăng không đáng kể, thậm chí tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.

Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong khi đó, số nợ, chậm đóng có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng.

Các nội dung chi của Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đều tăng về số người, số tiền so với năm 2019 và nằm trong xu thế tăng đều trong những năm qua. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, vẫn còn tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản; vẫn còn tình trạng chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định, chưa thực hiện được hết các chế độ theo quy định.

Do đó, Ủy ban kiến nghị Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó đặc biệt lưu ý việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội. Chính phủ có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ủy ban đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao theo hình thức tự nguyện.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục