Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Cần một lời hứa đanh thép trước Quốc hội

Theo đại biểu Quốc hội, cơ quan chức năng cần có lời hứa đanh thép trước Quốc hội, trước nhân dân, không thể để việc giải quyết nhiều vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017. Trước thực trạng khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp và gay gắt, các đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần tập trung các giải pháp về sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai, đồng thời các cơ quan chức năng của Chính phủ, Quốc hội cần chú trọng công tác tiếp công dân để giải quyết các khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

"Cần một lời hứa đanh thép trước Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo"

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá báo cáo của Chính phủ đã phản ánh bao quát, toàn diện tình hình, nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo trong năm 2017, thể hiện nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, các đại biểu chỉ rõ số vụ khiếu nại, tố cáo liên tục giảm, nhiều năm có mức giảm sâu so với năm 2011 nhưng tính chất, mức độ lại phức tạp và gay gắt hơn. Tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp còn nhiều…

Đánh giá về công tác tiếp dân, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) băn khoăn rằng: Tại sao công tác tiếp công dân của các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố lại quá ít? Có tới 43 tỉnh, thành phố không có báo cáo số liệu về số buổi tiếp công dân. Chỉ có 20 tỉnh, thành phố có số liệu về tổ chức 397 buổi tiếp công dân. Con số này đặt ra câu hỏi "Công dân không có nhu cầu gặp đại biểu Quốc hội để kiến nghị hay đại biểu Quốc hội không sẵn sàng hoặc đến gặp dân nhiều lần nhưng không có kết quả về giải quyết khiếu nại, tố cáo".

Đại biểu cho rằng từ công tác tiếp dân thì pháp luật về khiếu nại, tố cáo, pháp luật về thanh tra, đất đai... mới thực sự đi vào đời sống. Nếu coi nhẹ những vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân thì sẽ gây bất lợi cho Nhà nước, bất an trong nhân dân, dẫn đến những vụ kiện cáo kéo dài.

Do đó, đại biểu Sơn kiến nghị: "Các cơ quan chức năng giải quyết cần có lời hứa đanh thép trước Quốc hội, trước nhân dân. Không thể kéo dài tình trạng vì lý do này, lý do kia nên việc giải quyết nhiều vụ khiếu nại, tố cáo cứ kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác."

Phân tích nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng đó là do việc thiếu sâu sát, gần dân, lắng nghe dân và đối thoại với dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ. Các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu khiếu nại, tố cáo đều chỉ ra rằng, hầu hết các vụ việc phức tạp, điểm nóng đều phát sinh từ cơ sở.

“Việc lớn, nhỏ trong dân xảy ra hàng ngày, vấn đề là cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có sâu sát, gần dân để nắm bắt các vấn đề trong dân; lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với dân; cùng dân giải quyết các vấn đề ngay từ cơ sở, khi vụ việc mới manh nha hay không?," đại biểu Ngọ Duy Hiểu tâm tư.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đối thoại được quy định trong các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời là một thủ tục trong quá trình giải quyết khiếu nại được quy định tại Luật Khiếu nại. Đối thoại theo các quy định này là hình thức người có thẩm quyền ngồi với dân để giải quyết công việc của dân; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật; hòa giải, phòng ngừa từ xa những vướng mắc, mâu thuẫn và điểm nóng trong nhân dân, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tạo sự đồng thuận chung để phát triển kinh tế - xã hội.

Dẫn chứng câu chuyện Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phúc Cường chủ trì đối thoại với gần 300 tiểu thương ở Biên Hòa, Đồng Nai khép lại 11 năm khiếu nại của người dân, đại biểu Ngọ Duy Hiểu chỉ rõ, đối thoại mang lại nhiều lợi ích nhất là làm yên dân, khi dân tin, dân ủng hộ thì làm việc gì cũng thành công.

Từ thực tế này, đại biểu kiến nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm quy định về việc đối thoại với nhân dân. Người đứng đầu cơ quan hành chính thực hiện nghiêm túc quy định tiếp công dân; xử lý cán bộ không thực hiện quy định này. Bên cạnh đó cần sớm quy định trong luật về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, về trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đánh giá tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt khoảng 83% như Chính phủ báo cáo năm 2017 là khá tốt. Tuy nhiên, Chính phủ khi xây dựng kế hoạch thanh tra thì nên tập trung thanh tra đột xuất, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo.

"Tâm lý chung của người đi khiếu nại, tố cáo là muốn gặp người có chức vụ cao nhất trong cơ quan công quyền, vì vậy cần tiếp tục duy trì và tăng cường việc lãnh đạo đối thoại với dân," đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cần sửa đổi pháp luật đất đai để giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài

Theo báo cáo của Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 60,4%; về nhà ở chiếm 11,7% trong tổng số đơn khiếu nại. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 62,3% chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Tri Thức (Thanh Hóa) cho rằng báo cáo của Chính phủ đã đánh giá được tình hình tuy nhiên chưa nêu được những giải pháp cơ bản nhất, chủ yếu nhất, trong đó nổi bật là nguyên nhân về bất cập của Luật Đất đai hiện nay.

Thực tế, qua 10 năm, báo cáo của Chính phủ năm 2011 thì 82,44% khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai; năm 2012 là 78,9%; năm 2013 là 60,9%; năm 2014 là 76,38%; năm 2015 là 76,7%; năm 2016 là 74%; năm 2017 là 74,2%. Như vậy chính sách đất đai là đang có vấn đề."

[Phòng chống tham nhũng không thể ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý"] 

Theo đại biểu Thức, chính sách đất đai Việt Nam nhiều năm qua có nhiều đổi mới, đột phá gắn với tiến trình lịch sử đất nước. Tuy nhiên đến nay pháp luật về đất đai có nhiều bất cập, nhiều điểm nghẽn trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, chưa có chính sách đất đai thông thoáng để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người có quyền sử dụng đất. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm sửa đổi pháp luật về đất đai, bên cạnh việc sửa đổi bổ sung pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

"Pháp luật về khiếu nại, tố cáo là pháp luật về hình thức, quan trọng là hoàn chỉnh pháp luật về nội dung như Luật Đất đai để phòng ngừa được vi phạm pháp luật thì mới giải quyết cơ bản được vấn đề. Còn pháp luật về hình thức chẳng qua là để để giải quyết khi vi phạm đã xảy ra. Nếu chỉ sửa đổi luật hình thức thì hiệu quả sẽ không cao, nếu loay hoay mãi sẽ không giải quyết căn bản được vấn đề," đại biểu Thức kiến giải.

Đồng thời, đại biểu Thức cho rằng các giải pháp Chính phủ đưa ra là đúng những còn chung chung, chưa thể hiện đâu là giải pháp, đâu là phương hướng chiến lược để giải quyết căn bản tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian dài.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành hữu quan tập hợp những chuyên gia giỏi để sửa đổi pháp luật đất đai phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết được căn bản tình hình khiếu nại tố cáo.

Giải trình tại Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những bất cập trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch đất đai, chế độ chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai về nhà ở, bố trí tái định cư.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị phải tập trung, tìm những giải pháp hữu hiệu trong việc hoàn thiện thể chế về vấn đề này.

Ngoài ra, cần tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân bởi nếu giải quyết sớm những vướng mắc từ cơ sở thì sẽ hạn chế việc khiếu kiện lên cấp cao hơn. Đặc biệt, trình tự, thủ tục tiếp công dân, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện tiếp công dân cần được quan tâm hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục