Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, với tinh thần "thận trọng, chắc chắn, khoa học, bài bản, kỹ lưỡng, nhưng thống nhất, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội." Đây là vấn đề Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tại Hội nghị của Bộ Nội vụ với các địa phương, sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, diễn ra ngày 7/7.
Giải quyết bài toán nan giải về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách
Đánh giá 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, tạo ra sự chuyển biến rõ nét với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và của từng địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, uy tín và vị thế của ngành, Bộ Nội vụ không ngừng được nâng lên.
Bộ trưởng chia sẻ, chỉ trong 6 tháng đầu năm, có 14 giám đốc sở nội vụ "được trưởng thành, được thay đổi, trong đó có những đồng chí được phát triển vào những vị trí cao hơn. Nhiều đồng chí được luân chuyển vào vị trí tương đương để đào tạo, rèn luyện, khẳng định và trưởng thành. Đây là niềm vui của toàn ngành."
Bộ trưởng cũng nêu những kết quả tích cực mà toàn ngành đạt được như: Chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó và những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn; đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Đặc biệt là đã giải quyết được bài toán nan giải về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố; đề xuất chính sách tinh giản biên chế sát yêu cầu thực tiễn, chủ động cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị...
Tham mưu giải quyết hiệu quả tình trạng cán bộ, công chức né tránh, sợ sai
Chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, bất cập, Bộ trưởng cho rằng, áp lực, thách thức của ngành Nội vụ trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, đòi hỏi ngành phải luôn luôn đổi mới, thích ứng, đồng thời nhấn mạnh, có nhiều việc phải đi trước đón đầu, trong khi có những việc phải đồng hành để cùng giải quyết, cùng thực hiện; những vấn đề khó khăn, bất cập, phải có giải pháp hiệu quả.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị toàn ngành tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách trong kế hoạch năm 2023, trong đó có việc phải hoàn thành 16 nghị định, 13 thông tư, nhiều đề án, báo cáo, nhất là những vấn đề khó như khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
[Tuyển 14.244 công, viên chức, bổ sung số người nghỉ việc và thôi việc]
Quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, với tinh thần "thận trọng, chắc chắn, khoa học, bài bản, kỹ lưỡng, nhưng thống nhất, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội."
"Đây là việc khó, nhạy cảm, tác động rộng. Chúng ta có kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, nhưng thực tiễn có nhiều vấn đề đặt ra, phải hóa giải được," Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, Bộ đang nỗ lực tối đa, tham mưu kỹ lưỡng về vấn đề này để cuối tháng 7 Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc, để địa phương triển khai từ tháng 8/2023-9/2024.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai hiệu quả Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định "gói ghém" các yêu cầu về đội ngũ cán bộ, công chức và đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, giải quyết căn cơ bài toán quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp cơ sở.
Đặc biệt là phải chuẩn bị một bước để thực hiện vấn đề liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh. Điều này đòi hỏi chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải được chú trọng.
Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng lưu ý, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đây vẫn là một vấn đề nóng bỏng và cấp thiết và ngành Nội vụ phải tham mưu.
Quan tâm tham mưu để giải quyết tích cực, hiệu quả một số vấn đề tồn tại phát sinh: Tình trạng cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc. Theo đó, phải hoàn thiện thể chế, chính sách; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa; thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xử lý vi phạm.
"Không thể có chuyện cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, lại đổ vấy cho khách quan. Đây là vấn đề chủ quan, thuộc về nhận thức, ý thức," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức cần theo chỉ tiêu biên chế giao và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và đánh giá tác động của thăng hạng viên chức tiến tới bỏ thăng hạng viên chức.
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhanh nhạy, thông suốt hơn
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương đã trao đổi, tham luận sâu về vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính đô thị; tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị; giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trực thuộc Thủ đô, thành phố đã tập trung thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức tại 175 phường; ban hành quyết định chuyển công chức cấp xã ở phường sang công chức nhà nước, báo cáo Bộ Nội vụ giao bổ sung 2.625 biên chế công chức tại 175 phường thành công chức cấp quận quản lý, hoạt động theo cơ chế quản lý mới.
Qua đó, tinh giản 125 biên chế so với trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn; tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận và thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường đã chủ động trong điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc.
Đặc biệt là những nhiệm vụ mang tính đột xuất, yêu cầu cấp bách phải giải quyết ngay với nguyên tắc làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường đã phát huy vai trò người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định, tổ chức nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường.
Việc thực hiện cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường đảm bảo sự linh hoạt trong việc lựa chọn, bố trí, luân chuyển cán bộ, không nhất thiết là người địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín ở địa phương.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ, công chức đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội thuộc thành phố.
Bộ Nội vụ sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14. Trong đó, điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường theo số dân cư và diện tích tăng thêm hoặc tăng thêm các chế độ chính sách đối với công chức ở những phường có số lượng dân cư đông.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu phương án phân bổ, giao chỉ tiêu biên chế đối với các nơi có khối lượng công việc lớn, tránh cào bằng, không đủ nhân lực đề hoàn thành nhiệm vụ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nội vụ đã tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua hoàn thành việc cập nhật, kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn I./.