Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre - cho biết ngành chức năng phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn và doanh nghiệp thu mua dừa giải quyết dứt điểm tình trạng chậm thanh toán tiền của doanh nghiệp cho các hợp tác xã và nhà vườn xảy ra từ đầu năm 2023 đến nay, qua đó, củng cố hoàn thiện chuỗi giá trị bền vững cho cây dừa trong thời gian tới.
Ngành nông nghiệp Bến Tre đã áp dụng nhiều giải pháp, vừa hỗ trợ hợp tác xã vừa hỗ trợ doanh nghiệp giải đáp thắc mắc khó khăn của doanh nghiệp để nhà vườn cùng chia sẻ.
Tuy doanh nghiệp vẫn chậm trả tiền nhưng thời gian không còn dài như trước đây.
[Bến Tre khánh thành nhà máy chế biến dừa, với tổng vốn 480 tỷ đồng]
Theo ông Huỳnh Quang Đức, hiện nhà vườn và doanh nghiệp đã đạt được thỏa thuận. Nếu nhận tiền sớm thì doanh nghiệp sẽ mua với giá bình thường, còn nhà vườn chịu nhận tiền chậm thì giá bán dừa có thể cao hơn để xem như bù lỗ khoản chi phí tương đương với lãi suất để không bị thiệt thòi.
Bên cạnh đó, giới thiệu ngân hàng để hợp tác xã dễ dàng tiếp cận vay vốn nhằm đầu tư, sản xuất và giải quyết khó khăn cho các xã viên.
Mặt khác, ngành nông nghiệp đã tham vấn Sở Tư Pháp tỉnh Bến Tre soạn thảo hợp đồng mẫu về thu mua dừa giữa nhà vườn với công ty, hợp tác xã để có sự ràng buộc chặt chẽ hơn, giúp chuỗi liên kết bền vững hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Măng - xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú - chia sẻ khi tham gia chuỗi cây dừa, vấn đề liên kết tiêu thụ rất là thuận lợi.
Nhưng thời gian gần đây, vấn đề trả tiền hơi chậm khiến nhiều xã viên bức xúc.
Ông Măng có 1,4ha dừa, số tiền bán dừa hàng tháng khoảng hơn 10 triệu đồng là thu nhập chính của gia đình.
Tuy nhiên, việc hợp tác xã, công ty chậm trả tiền đã gây khó khăn rất nhiều cho những người trực tiếp trồng dừa.
Trong một tháng đó, dừa đã bán mà tiền không trả thì gia đình không có kinh phí để sinh hoạt.
Để đảm bảo chuỗi giá trị bền vững và lâu dài, người trồng kiến nghị hợp tác xã, doanh nghiệp... chi trả tiền cho khoảng thời gian từ 10 ngày trở lại thì hợp lý.
Những hộ dân trồng dừa như gia đình ông Măng trên địa bàn xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú đều bán dừa cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chế biến dừa Lương Quới thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh và đều gặp tình trạng chậm trả tiền trong những tháng gần đây.
Ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã dừa Thới Thạnh, chia sẻ để giải quyết khó khăn trước mắt cho các xã viên, thời gian qua hợp tác xã đã sử dụng nguồn vốn dự phòng, tiền huy động từ các thành viên hội đồng quản trị để chi trả cho nhà vườn.
Trong giai đoạn khó khăn nhất, các thành viên hội đồng quản trị đã không nhận lương, tập trung nguồn tiền để cho các xã viên có thể ứng tạm tiền từ 500.000-2 triệu đồng trong thời gian chờ công ty trả tiền.
Việc này đã giúp các nhà vườn vượt qua khó khăn nhưng do nguồn vốn của hợp tác xã cũng không được dồi dào, chỉ khoảng 500 triệu đồng nên tạm ứng cũng hạn chế.
Thời gian tới, hợp tác xã sẽ huy động thêm khoảng 500 triệu nữa để chi trả cho các xã viên mà mở rộng diện tích liên kết với nhà vườn.
Ông Ửng chia sẻ hiện tại vấn đề chi trả tiền đã được công ty giải quyết, các nhà vườn vẫn đảm bảo liên kết với hợp tác xã và công ty.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Phú Lê Văn Tiến thông tin, chỉ tính riêng địa bàn huyện đã có 7 hợp tác xã dừa liên kết sản xuất với 2 công ty chế biến, xuất khẩu.
Thời gian qua, các công ty gặp khó khăn nên chậm chi trả tiền khiến bà con khó khăn, bức xúc.
Ngay sau khi nắm bắt được sự việc, Phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Phú đã báo cáo lên cấp trên đồng thời gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp để bàn cách tháo gỡ.
Qua năm bắt, nguyên nhân công ty chậm chi trả tiền cho hợp tác xã để hợp tác xã chi trả cho xã viên là do hàng xuất của doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Một nguyên nhân nữa là do dừa của các nước tung ra rất nhiều khiến thị trường dừa trong nước bị ảnh hưởng.
Phòng Nông nghiệp đã đề nghị công ty rút ngắn thời gian chi trả tiền cho hợp tác xã từ 2 tháng xuống còn khoảng 1 tuần và đã được đồng ý.
Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện Thạnh Phú đã làm việc với ngân hàng để các hợp tác xã thuận lợi vay vốn nhằm xoay xở những lúc khó khăn.
Mục tiêu là để các xã viên không bị ảnh hưởng, từ đó sẽ không bị ảnh hưởng, đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất dừa.
Hiện tổng diện tích dừa của Bến Tre là hơn 78.000ha, chủ yếu là dừa khô nguyên liệu; trong đó, diện tích dừa uống nước hơn 20% với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm, dừa hữu cơ của tỉnh đạt 17.200ha. Hơn 70% người dân Bến Tre có kinh tế chủ yếu thu nhập từ cây dừa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tăng cường vận động người dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất dừa.
Đến nay, toàn tỉnh có 79 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã sản xuất dừa; trong đó, tham gia liên kết chuỗi giá trị dừa có 28 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô hơn 5,6 nghìn ha với hơn 6.200 thành viên./.