Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và Mặt Trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.
Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện Mặt Trời vào năm 2020).
Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp, dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất.
Tại Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn” tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng năng lượng tái tạo đang vướng phải nhiều vấn đề, từ việc lập quy hoạch, khâu truyền tải..., là những điểm “nghẽn” mạch phát triển.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần có một bản quy hoạch ngành chất lượng hơn nữa, cùng những cơ chế để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Tìm điểm nghẽn tháo gỡ
Chỉ từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất điện Mặt Trời đã tăng gấp trên 51 lần, từ 86MW lên đến trên 4.400 MW.
Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu nguồn, nhưng sản lượng chỉ chiếm khoảng 1%. Nhiều chuyên gia cho rằng điểm “nghẽn” sâu xa nằm ở việc quy hoạch.
[Năng lượng tái tạo tại Việt Nam - từ chính sách đến thực tiễn]
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, trong lúc lập và trình duyệt Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, vì chưa có cơ chế cụ thể, hỗ trợ thích đáng, nên hầu như rất ít các dự án điện Mặt Trời, điện gió được đề xuất.
Do vậy, báo cáo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh chỉ đưa vào ước tính một phần lớn lượng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo như là khoảng không gian cho việc xét duyệt các dự án đó khi được các chủ đầu tư đề xuất trong giai đoạn 2016-2020 và tới năm 2025.
Chẳng hạn 800 MW điện gió và 850 MW điện Mặt Trời vào năm 2020; quy mô trên 27.000 MW nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 cũng là tính toán định hướng.
Ngoài ra, các địa phương có tiềm năng phát triển điện sạch cũng chưa quy hoạch sử dụng đất cho loại hình mới này, mất thời gian, thủ tục cho bổ sung quy hoạch; chưa có quy trình về công bố thông tin dự án cho các nhà đầu tư, chủ yếu các nhà đầu tư vẫn tự tìm địa điểm để xin cấp phép đầu tư, có khi chồng chéo quy hoạch, khó triển khai dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước hết, phải đặt câu hỏi, điểm nghẽn nằm ở đâu khiến các dự án gặp khó khi phát triển. Chỉ trong vòng mấy tháng qua, quy hoạch điện Mặt Trời đã bị phá vỡ.
“Vấn đề về chất lượng quy hoạch ngành, sự thiếu minh bạch, công khai... Cá nhân tôi chỉ biết đến vấn đề phá vỡ quy hoạch, giảm phát của các dự án năng lượng tái tạo thời gian gần đây. Nếu có sự công khai minh bạch ngay từ đầu, có sự đóng góp của xã hội, chuyên gia thì chắc không có vấn đề này,” ông Ánh nói.
Một vấn đề nữa mà quy hoạch cần đề cập tới và vốn cho truyền tải điện. Để phát triển điện và truyền tải điện, cần tới hàng trăm tỷ USD, sẽ lấy đầu ra. Do vậy, quy hoạch điện cũng phải gắn với quy hoạch vốn. Hiện nay đã có chương trình Tín dụng xanh hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các dự án liên tục bị cắt giảm công suất, năng lực chi trả khoản vay sẽ ra sao và cơ hội vay các dự án khác...
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, với 2 địa phương điểm nóng là Ninh Thuận, Bình Thuận, tập trung quá nhiều dự án khiến lưới truyền tải chịu áp lực lớn. EVN chia sẻ với địa phương là đề nghị các chủ đầu tư cùng chung tay với EVN xây dựng hệ thống truyền tải, có thể từ nhà máy vào đường dây chính. Nhưng nguyên tắc cuối cùng là phải có quy hoạch. Tư nhân hay nhà nước làm thì đều phải có quy hoạch.
Dự kiến, đến tháng 6/2020, EVN sẽ hoàn thành các dự án đầu tư lưới để giải tỏa công suất điện Mặt Trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận đưa vào vận hành trước 6/2019.
Trong khi câu chuyện về lưới truyền tải không “tải” hết được công suất các dự án điện sạch, chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận, vấn đề đặt ra là sẽ thu hút nguồn vốn tư nhân vào lưới điện truyền tải như thế nào.
Về chủ trương này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho hay, Bộ Công Thương rất ủng hộ việc xã hội hóa lưới truyền tải.
Có 2 hình thức đầu tư: hình thức đầu tư vào lưới điện để đấu nối từ nhà máy đến điểm đấu nối. Trong trương hợp này thì theo quy định pháp luật, nếu nhà đầu tư đầu tư cả nhà máy và đường dây đấu nối thì giữa nhà đầu tư và ngành điện sẽ thống nhất phạm vi đầu tư, khi đầu tư quản lý vận.
Còn việc đầu tư lưới truyền tải, trong luật điện lực có quy định nhà nước độc quyền trong truyền tải, thì phải làm rõ độc quyền cả đầu tư hay chỉ quản lý vận hành.
Ở đây, Bộ Công Thương đề xuất giải thích theo hướng độc quyền về quản lý vận hành, còn hình thức đầu tư vẫn cho phép xã hội hóa.
Đấu thầu để công khai, minh bạch
Việc đấu thầu dự án điện cũng đã được đặt ra tại hội thảo. Nếu có thể sớm triển khai đấu thầu thay vì cơ chế giá FIT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) hỗ trợ phát triển như hiện nay, người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá điện tốt hơn.
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, đấu thầu qua kinh nghiệm trên thế giới là hình thức đảm bảo công khai, minh bạch, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia.
Có 2 phương án đấu thầu. Một là đấu thầu theo trạm biến áp. Ví dụ khu vực này có trạm còn đủ dung lượng để truyền tải công suất lên hệ thống, có thể đấu thầu xung quanh khu vực đó dự án chọn được giá thấp, dảm bảo quy mô công suất, đảm bảo đủ lượng công suất đó. Hình thức thứ hai là giải phóng mặt bằng sạch, mời nhà đầu tư vào làm một phần hoặc toàn bộ dự án.
Ở góc độ chuyên gia, ông Oliver Behrend, Cán bộ đầu tư cao cấp, Bộ phận cơ sở hạ tầng, Tập đoàn tài chính quốc tế, World Bank cho rằng phải lựa chọn hình thức nào cho Việt Nam? Không nên quá ám ảnh về vấn đề đấu thầu. một cơ chế đấu thầu không cũng không giải quyết được hết vấn đề.
“Điều quan trọng là cần áp dụng áp dụng đấu thầu với quy trình tốt để đảm bảo sàng lọc trước những bên tham gia cùng khung hợp đồng phù hợp để huy động được tài chính. Chúng ta cần có khung hợp đồng và cơ chế về huy động tài chính,” ông Oliver Behrend cho hay.
Cùng chia sẻ vấn đề này, bà Hyunjung Lee, Chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp Ban năng lượng, Vụ Đông Nam Á, ADB (vừa tiến hành đấu thầu thành công dự án ở Campuchia) cho rằng, đấu thầu không phải phép thần giải quyết được mọi vấn đề gặp phải. Có nhiều yếu tố đem lại đấu thầu thành công, như tính cạnh tranh được tăng cường, nhà đầu tư thế giới có thể tham gia vào.
Các nhà phát triển dự án đều cạnh tranh nhau về mức giá nên tôi muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chuẩn bị trước. Đó là phương pháp, quy trình thực hiện thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, để thu hút nhiều nhất khu vực tư nhân, như hợp đồng mua bán điện, cơ chế bồi thường, giảm phát...
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham, cho hay giá không hẳn là quan trọng nhất. Khi vận hành cơ chế đấu thầu, cần sàng lọc bớt những đơn vị không chuyên nghiệp hoặc năng lực kém để dảm bảo khi dự án xây dựng phải đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Bộ Công Thương cho hay bộ sẽ phối hợp với World Bank, ADB để sớm thực hiện đấu thầu các dự án điện./.