Tác động của thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, lũ quét, lũ ống cùng với nhu cầu sử dụng đất đai phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội như thủy lợi, thủy điện, khai thác khoáng sản ngày càng lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ đất ở và đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương trên cả nước.
Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề lớn được Chính phủ và các bộ, ngành cũng như các địa phương chung tay giải quyết trong rất nhiều năm qua.
Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu “an cư lạc nghiệp” cho đồng bào ở những vùng đất mới vẫn còn rất nhiều khó khăn, nan giải mà ngoài sự nỗ lực của chính người dân, cần nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ...
Vẫn còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong giai đoạn 2005-2012 cả nước có 651.571 hộ dân tộc thiểu số nghèo cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho 231.576 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đạt 41,5% so với tổng nhu cầu cần hỗ trợ của cả giai đoạn (theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Nếu tính cả số hộ được hỗ trợ theo chương trình tái định cư và khu kinh tế quốc phòng là 93.086 hộ thì tổng số hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là 324.662 hộ, đạt gần 50%.
Số hộ còn lại cần được tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn 2012-2016 là 326.909 hộ, trong đó số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất là 293.934 hộ; số hộ thiếu đất ở là 32.975 hộ.
Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số dự án thủy điện có di dân, tái định cư.
Thống kê tại 23 công trình thủy điện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham gia dự án tái định cư cho thấy tổng số hộ phải di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ là 62.784 hộ với 238.484 nhân khẩu.
Đến nay, Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tổ chức di chuyển an toàn cho 57.014 hộ với 244.805 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập lòng hồ và bố trí các hộ dân tại hơn 174 khu, 603 điểm tái định cư.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, mặc dù việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được Trung ương và các địa phương quan tâm, nhưng số lượng hộ thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn cao.
Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả đúng mức hoặc có nội dung khó thực hiện, chưa phù hợp với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thoát nghèo của đồng bào dân tộc không có đất hoặc thiếu đất sản xuất chưa bền vững.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng thiếu đất sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, trước hết là do nhiều địa phương chưa làm tốt việc phân bổ đất sản xuất; diện tích đất bị thu hồi để phục vụ lợi ích công quá lớn; một số địa phương thiếu đất do điều kiện địa lý tự nhiên, cụ thể do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt liên tục xảy ra trên đã làm xói mòn, bạc màu, ngập úng nhiều vùng đất canh tác của đồng bào.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế-xã hội dẫn đến nhu cầu sử dụng đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội ngày càng lớn, làm thu hẹp địa bàn sinh kế của đồng bào.
Việc quy hoạch, đền bù, tái định cư tại một số dự án thủy điện, khai khoáng, các dự án thu hồi đất cho nông, lâm trường chưa phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của từng dân tộc.
Việc phối kết hợp giữa chủ đầu tư dự án thủy điện với địa phương chưa chặt chẽ đã dẫn đến chất lượng đất sản xuất tại khu tái định cư còn hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân...
Nan giải mục tiêu ổn định đời sống
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhận định việc thiếu đất sản xuất là vấn đề lớn, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm hiện nay ở nhiều địa phương không còn đất để giải quyết cho đồng bào sản xuất nông nghiệp nhưng quỹ đất lâm nghiệp còn nhiều. Vì thế, Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh giao đất, giao rừng, khoán rừng cho đồng bào.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần tiếp tục hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có, thực hiện các chính sách giúp đồng bào phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, trong đó chú trọng việc đào tạo nghề cho đồng bào…
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các bộ, ngành cần rà soát lại các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó có thể thu hồi một phần đất phù hợp để tiếp tục ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Cùng với việc giải quyết đủ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào để “an cư” thì việc ổn định đời sống để đồng bào “lạc nghiệp” trên những vùng đất mới là mục tiêu quan trọng nhất.
Đánh giá về thực trạng đời sống của người dân tái định cư sau khi di dời phục vụ các dự án thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân tái định cư thuộc 12 dự án thủy điện (Hòa Bình, Sơn La, Nậm Chiến, Huội Quảng, Bản Chát, Bản Vẽ, Khe Bố, Quảng Trị, A Vương, Sông Tranh 2, Tuyên Quang) đạt 6,6 triệu đồng/người/hộ/năm. Mặc dù mức thu nhập trên cao hơn so với nơi ở cũ nhưng vẫn còn là mức thu nhập rất thấp.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân các tỉnh thì số hộ tái định cư thuộc diện nghèo vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao.
Ngoài thủy điện Sơn La có tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm khoảng 10% tổng số hộ tái định cư, do hiện nay trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có hơn 4.000 hộ dân tái định cư đang tham gia trồng cây cao su nên nhiều người dân đã có việc làm và thu nhập ổn định (đặc biệt tỉnh Lai Châu không có hộ dân tái định cư nào thuộc diện nghèo), thì nhìn chung các tỉnh khác vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để các hộ tái định cư có việc làm và thu nhập ổn định.
Ở một số địa phương, vấn đề người dân bỏ hoang các khu tái định cư do những khó khăn, bất cập về sinh hoạt và sản xuất cũng là một thực trạng cho thấy việc bố trí được đất ở, đất sản xuất cho đồng bào đã khó khăn, song việc ổn định và phát triển được đời sống cho bà con ở vùng tái định cư còn nan giải hơn nhiều.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua công tác khuyến nông sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có, tiến tới sản xuất hàng hóa, liên kết với miền xuôi để hình thành chuỗi cung ứng-tiêu thụ.
Bộ trưởng cũng cam kết sẽ kiến nghị Chính phủ có các giải pháp đồng bộ về phát triển giao thông, thông tin liên lạc, dạy nghề thích hợp; đồng thời điều chỉnh chính sách thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh tại những khu vực vùng sâu, vùng xa.
Để khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Dân tộc cũng kiến nghị căn cứ mục tiêu các chính sách dân tộc năm 2014, tổng nhu cầu vốn là hơn 12.497 tỷ đồng, nhưng hiện nay mới được cấp hơn 4.474 tỷ đồng.
Như vậy khả năng hoàn thành kế hoạch của các chính sách là rất khó khăn, do vậy đề nghị Quốc hội quan tâm bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp thay thế các chính sách nhỏ lẻ, đồng thời có giải pháp hợp nhất và lồng ghép các chính sách tín dụng, đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số để tạo nên những giải pháp đồng bộ vừa giải quyết được vấn đề đất đai, vừa ổn định được đời sống của đồng bào dân tộc./.