Giải phóng tiềm năng đất đai để sự sống nảy mầm trên vùng 'đất chết'

Tại các huyện biên giới Lạng Sơn, Hà Giang, tiềm năng đất đai chưa được giải phóng trong khi nhu cầu canh tác rất lớn khiến người dân khó khăn trăm bề. Thế nhưng mọi thứ đang dần từng bước đổi thay.
Giải phóng tiềm năng đất đai để sự sống nảy mầm trên vùng 'đất chết' ảnh 1Các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xử lý bom, mìn, vật nổ 319 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, rà phá bom mìn ở khu vực thôn Hoàng Lỳ Pả, Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Các huyện biên giới của hai tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, vốn là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Hàng trăm người khuyết tật trên địa bàn các huyện này vốn là nạn nhân của “tử thần” lẩn khuất trong lòng đất. Tiềm năng đất đai chưa được giải phóng, trong khi nhu cầu canh tác là rất lớn. Đời sống nhiều hộ dân tại các xã giáp biên rất khó khăn vất vả, thiếu thốn trăm bề.

Thế nhưng mọi thứ đã và đang dần từng bước đổi thay.

Dựng xe máy bên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào đồi thông ở xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), anh Trịnh Văn Tuấn, người địa phương, cầm theo dao cạo mủ thông vừa rảo bước chân vừa nói: “Đồi này cây cối xanh tươi mà trước kia gần như bỏ hoang vì có rất nhiều mìn. Đã có người trên này bị chết bởi mìn, có một bà đi nhặt phế liệu bị cụt cả hai tay.”

[Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng]

Người đàn ông 45 tuổi này nói rằng cách đây hơn 15 năm, khắp khu vực này là những hố đạn, mìn sâu hoắm, dân cư rất thưa thớt, thỉnh thoảng lại nghe trên đồi có tiếng nổ rồi phát hiện trâu, bò chết mà không ai dám vào kéo ra.

Thời gian qua, lực lượng Công binh đã tổ chức rà tìm, tháo gỡ cả trăm ngàn quả mìn, quả đạn các loại ở đây. Từ đó, bàn giao đất sạch cho chính quyền quản lý rồi cho người dân sử dụng, thuê để kinh doanh sản xuất, trồng rừng, phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp.

“Việc làm này đã đáp ứng được mong mỏi lớn nhất của người dân là được mở rộng diện tích canh tác, hạn chế được những tai nạn không đáng có xảy ra,” anh Trịnh Văn Tuấn nói.

Anh Trịnh Văn Tuấn khoe gia đình anh đã nhận hơn 3ha đất đồi để trồng thông lấy nhựa, trung bình mỗi một hécta trồng 1.650 cây thông. Anh trồng gần 5.000 cây thông này từ năm 2012 và nay bắt đầu đến thời điểm có thể thu hoạch mủ. Trong mong đợi của anh, mỗi cây thông có thể cho khoảng 6kg nhựa/năm.

Theo giá hiện nay ở địa phương, 1kg nhựa thông có giá giao động từ 30.000-35.000 đồng. Số thông trồng trên 3ha này của anh có thể sẽ đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng.

“Đây là đồi thông thứ hai của gia đình tôi. Năm 2008, tôi đã bắt đầu trồng thông và từ năm 2013 bắt đầu lấy nhựa rồi,” anh Trịnh Văn Tuấn kể rồi nhìn về mảng rừng xanh mườn mượt trước mặt.

Anh nói rằng: “Trên đó còn rất nhiều mìn, vật liệu nổ chưa được rà phá hết. Nếu làm sạch, đất tốt, cây trồng sẽ phát triển lắm.”

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Khoái Hoàng Thị Giang, địa phương là một trong bốn xã biên giới của huyện Lộc Bình. Dù có Cửa khẩu Chi Ma là nơi giao thương với Cửa khẩu Ái Điểm của Trung Quốc - điều kiện để người dân có thêm việc làm. Song công việc chính của người dân Yên Khoái vẫn là phát triển kinh tế đồi rừng.

"Việc rà phá bom mìn hiệu quả đã góp phần quan trọng giúp người dân trong xã có thêm cơ hội, điều kiện để phát triển kinh tế," bà Hoàng Thị Giang khẳng định.

Xã Yên Khoái là một trong những đơn vị được các cơ quan chức năng quan tâm, thực hiện chương trình rà phá bom mìn rất hiệu quả. Trên cơ sở đó, người dân đã có thêm diện tích để sản xuất, trồng rừng và khai thác gỗ, nhựa thông, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.

“Bình quân thu nhập của người dân xã Yên Khoái hiện nay ở mức 49 triệu đồng/năm. Theo lộ trình phát triển nông thôn mới nâng cao, chúng tôi phấn đấu năm 2024 là 51 triệu đồng/năm. Việc người dân mới đây được thụ hưởng thêm hơn 10 ha đất sạch từ chương trình rà phá bom mìn đã giúp tăng thêm tư liệu sản xuất, tăng thêm thu nhập. Đó chính là một trong những yếu tố giúp xã đạt được chỉ tiêu phấn đấu này,” bà Hoàng Thị Giang chia sẻ.

Từ điểm cao trên đường biên giới Việt-Trung, nhìn về hướng nội biên thấp thoáng những nhà ngói đỏ, nhà cao tầng kiên cố nằm ẩn mình sau những vườn quế, bạch đàn, thông xanh mướt. Hai bên đường là những rẫy ngô mênh mông, bạt ngàn.

Trung tá Lương Văn Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, cho hay lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, đã thông báo có khoảng trên 5.000ha trên huyện Tràng Định có bom, mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh.

“Được sự hỗ trợ của các đơn vị, vừa qua đã giảm được hơn 2.000ha ô nhiễm bom mìn. Đối với người dân, việc rà phá này có lợi ích là giúp đồng bào phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế rừng rất hiệu quả. Nhiều hộ nghèo đã đổi đời, thoát nghèo nhờ có mảnh đất để phát triển kinh tế. Đến nay vẫn còn lại trên 3.000ha đất ô nhiễm bom, mìn. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công binh sẽ tiếp tục có những dự án thiết thực để rà phá,” Trung tá Lương Văn Tuấn nói.

Cũng trên tuyến biên giới, tại Hà Giang, công tác rà phá bom mìn, vật nổ giai đoạn 2 của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đặt mục tiêu trong thời gian sớm nhất sẽ làm sạch 1.500ha đất bị ô nhiễm do bom, mìn ở các xã Minh Tân (Vị Xuyên), Tả Ván và Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ).

8 đơn vị với hơn 530 người đã và đang tích cực tìm kiếm, phát hiện, xử lý, thu gom bom, mìn, vật liệu nổ an toàn.

Giải phóng tiềm năng đất đai để sự sống nảy mầm trên vùng 'đất chết' ảnh 2Các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xử lý bom, mìn, vật nổ 319 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, rà phá bom mìn ở khu vực thôn Hoàng Lỳ Pả, Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Trong cái oi nồng tháng Bảy, những người lính Công binh trẻ măng, áo đẫm mồ hôi, gương mặt xạm đen dưới nắng trời gắt, chăng dây, kẻ ô, thận trọng trong từng chi tiết nhằm bắt sống “tử thần” đang giấu mặt dưới lòng đất.

Ai cũng hiểu rằng nhiệm vụ này hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào nơi biên giới.

Trao đổi về việc làm sạch những vùng “đất chết," Đại tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, cho biết diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn trên địa bàn tỉnh lên tới hơn 90.000ha. Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang dù đã rà phá được hơn 12.000 ha, nhưng diện tích bị ô nhiễm bom mìn còn lại vẫn rất lớn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tập trung thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật cản nổ tại một số địa bàn trọng điểm của xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) với tổng diện tích thực hiện trên 110 ha, nhằm tạo quỹ đất sạch cho người dân canh tác, đồng thời là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ còn sót lại.

“Với sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cán bộ, chiến sỹ Công binh, hàng trăm ha đất đã được rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương,” Đại tá Lại Tiến Giang thông tin.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết số lượng bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều đã làm ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, tác động đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hà Giang đã xác định thời gian tới, song song với nhiệm vụ rà phá bom mìn là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

“Rà phá bom mìn là để giảm thiểu tối đa những nguy cơ gây thương vong, tai nạn cho người dân và có diện tích đất cho bà con sản xuất. Từ khi đất sạch mìn, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đến dựng nhà mới, sử dụng đất sạch để trồng ngô, lúa tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo,” ông Trần Đức Quý nhấn mạnh./.

Bài 1: Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng

Bài 2: Những người lính quyết tâm bắt sống "tử thần" trong lòng đất

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục