Giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu vẫn là điểm nghẽn Cao tốc Bắc-Nam

Trước ngày 30/6 tới đây, các địa phương có Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua phải bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng để nhà thầu thi công.
Mặt bằng “sạch” để các nhà thầu có thể triển khai thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 71%. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong báo cáo gửi đến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, phía Bộ Giao thông Vận tải đánh giá công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2)

Với Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2, dù các địa phương có đã nỗ lực thực hiện, bàn giao đến nay được 600,4/721,3km (đạt 83%), tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận mặt bằng “sạch” để các nhà thầu có thể triển khai thi công chỉ đạt 508,5/721,3km (đạt 71%). Thậm chí, nhiều vị trí có mặt bằng nhưng không có đường tiếp cận nên không thể thi công.

“Mặc dù khối lượng còn lại không lớn nhưng tập trung ở các khu vực đất ở, đông dân cư làm phát sinh các khiếu nại của các hộ dân, các khu tái định cư xây dựng còn chậm ảnh hưởng đến việc di dời, các công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế có các yêu cầu kỹ thuật cao nên thời gian triển khai dài,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Đưa dẫn chứng tại cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 12/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 12 địa phương thuộc Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 tiếp tục triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi đất rừng, phía Bộ Giao thông Vận tải cho biết các địa phương chưa thực hiện chuyển đổi rừng với các diện tích tăng thêm, hoặc sai khác vị trí so với Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15, ảnh hưởng đến tiến độ công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng khi giải quyết đối với các diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án phải hỗ trợ nhưng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bởi hiện chưa có các quy định hướng dẫn thực hiện cho trường hợp này.

[Tăng thêm chuyển đổi diện tích rừng để làm cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2]

Khẳng định Bộ Tài nguyên và Mô trường đã có các hướng dẫn về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận các địa phương còn chậm trong việc chấp thuận bảng xác nhận khối lượng khai thác của các nhà thầu. Vì vậy, tại một số gói thầu thuộc dự án Cao tốc Bắc-Nam, nhà thầu không đủ vật liệu đắp để thi công, trong khi điều kiện thời tiết rất thuận lợi. Ngoài ra, các chủ sở hữu các khu vực mỏ, bãi đổ thải yêu cầu mức hỗ trợ cao gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai.

Đưa ra nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục với địa phương để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng và triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2.

Xác định thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của Chính phủ không còn nhiều, trước ngày 30/6/2023, các địa phương có dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đi qua phải bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng, do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực triển khai các thủ tục để đáp ứng đúng tiến độ đề ra.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, đáp ứng tiến độ các dự án; hướng dẫn các địa phương việc đền bù, hỗ trợ các khu đất, công trình bị ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; tổng hợp, kiểm tra, rà soát diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, thay mặt Chính phủ, thừa ủy Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục