Chiều 3/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long có buổi làm việc với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long) về giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ, giai đoạn 1.
Theo ông Phan Duy Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2017 có tổng chiều dài 22,97km, điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và điểm cuối giao với Quốc lộ 1, trùng với điểm đầu dự án cầu Cần Thơ.
Dự án đi qua địa bàn các huyện Long Hồ, Bình Tân, thị xã Bình Minh, thành phố Vĩnh Long của tỉnh Vĩnh Long và huyện Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp.
Giai đoạn hoàn thiện đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ có 6 làn xe với tốc độ thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư hơn 4.758,7 tỷ đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ 932 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng để đảm bảo tính khả thi của dự án.
Cùng với đó, tổng khối lượng đất chiếm dụng khoảng 153,56ha; trong đó Vĩnh Long 95,80ha và Đồng Tháp 57,76ha.
Theo kế hoạch, công trình khởi công trong năm 2020 và hoàn thành vào năm 2022; dự kiến các địa phương sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng trước ngày 10/11/2020.
[Bộ Giao thông Vận tải thay chủ đầu tư cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ]
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu cho biết, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của dự án; thành lập Ban giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ là đầu mối phối hợp với Tổng Công ty Cửu Long trong thực hiện nhiệm vụ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng trên địa bàn.
Ông Trần Hoàng Tựu đề nghị Tổng Công ty Cửu Long sớm giao hồ sơ thiết kế dự án để các địa phương cập nhật, làm cơ sở họp dân công bố triển khai dự án; khẩn trương bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng để tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng; điều chỉnh khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác, ông Trần Hoàng Tựu yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận hỗ trợ tỉnh đầu tư đường dẫn đấu nối từ Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (trước Khu Công nghiệp Hòa Phú) vào đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ hoặc Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp 3 cầu trên đường tỉnh 908 (cầu Kênh Bô Kê, cầu Cái Tàu Sóc Tro, cầu Kênh Tư) để đảm bảo cầu và đường đồng bộ với dự án, nhằm kết nối từ Quốc lộ 1 vào đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Ông Trần Hoàng Tựu khẳng định, việc đầu tư dường dẫn đấu nối từ Quốc lộ 1 (trước Khu Công nghiệp Hòa Phú) vào đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhanh cho các doanh nghiệp tại địa phương và góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Nếu không đầu tư 3 cầu trên đường tỉnh 908, địa phương sẽ không kết nối được Quốc lộ 1 vào đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, từ đó làm hạn chế rất lớn quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và không phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn./.