Sáng 20/9, tại Hà Nội, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế phối hợp với Viện Nước quốc tế Stockholm tổ chức hội thảo quốc gia “Quản lý từ nguồn đến biển: Áp dụng cách tiếp cận từ nguồn đến biển đối với những thách thức chính ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn tại Việt Nam.”
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thí điểm Cách tiếp cận từ nguồn đến biển trong Quản lý Rác thải nhựa tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam” do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế và Viện Nước quốc tế Stockholm thực hiện với nguồn vốn tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên Chương trình biển và vùng bờ, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế Việt Nam cho biết quản lý từ nguồn đến biển tập trung vào mối liên kết giữa các hệ sinh thái từ nguồn đến biển và tập hợp tất cả các tác nhân để chủ động tạo ra các giải pháp phục hồi và bảo vệ đại dương.
Cách tiếp cận quản lý này cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa các Mục tiêu Thiên niên kỷ đặc biệt là đại dương, nước, đa dạng sinh học và khí hậu. Vì vậy, mục đích của hội thảo này nhằm giới thiệu cách tiếp cận từ nguồn ra biển, cách thực hiện, chia sẻ những hiểu biết về lợi ích của việc quản lý từ nguồn tới biển trong việc giải quyết các thách thức quan trọng với nước ngọt; chia sẻ những bài học từ phương pháp tiếp cận quản lý từ nguồn tới biển đối với những thách thức chính, bao gồm giải quyết ô nhiễm nhựa ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và thành phố Hội An.
[Việt Nam cùng các nước ASEAN giải quyết thách thức rác thải nhựa]
Bàn về lợi ích của quản lý từ nguồn tới biển, bà Ruth Mathews, Giám đốc cao cấp Viện Nước quốc tế Stockholm cho biết, các hoạt động của con người trên đất liền, dọc theo các con sông và đồng bằng đang đặt gánh nặng lớn lên các hệ sinh thái nước ngọt và đại dương. Việc phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và suy thoái đại dương cần xem xét các tác động và lợi ích trên toàn hệ thống.
Do đó, việc quản lý từ nguồn tới biển sẽ đem lại nhiều lợi ích như: cân bằng và bảo vệ các ưu tiên phát triển từ nguồn tới biển; liên kết các chính sách và thông lệ khắp các hệ thống trên đất liền, nước ngọt, ven biển và biển; thúc đẩy sự hợp tác giữa các tác nhân thượng nguồn và hạ nguồn cũng như sự phối hợp giữa các ngành; đảm bảo kết quả cùng có lợi từ nguồn tới biển bằng cách giải quyết các thách thức trải dài ranh giới đất liền- nước ngọt-biển truyền thống.
Thạc sỹ Đặng Nguyễn Thục Anh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chia sẻ kết quả ban đầu trong quá trình thử nghiệm việc triển khai quản lý từ nguồn tới biển trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.
Trong số đó, đáng chú ý là việc tăng cường phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông; giám sát chặt chẽ việc vận hành của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn và phối kết hợp điều hành xả nước trong các tình huống bất thường để đảm bảo cấp nước an toàn cho vùng hạ du, hạn chế tác hại do lũ gây ra; chia sẻ nguồn nước thông qua việc 2 địa phương thống nhất đắp đập tạm tại ngã ba sông Quảng Huế (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam); thu hút, huy động sự tham gia của cộng đồng và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn quý báu từ thế hệ đi trước trong lĩnh vực trị thủy…
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất các giải pháp nhằm xử lý ô nhiễm nhựa ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và thành phố Hội An, trong đó, nhấn mạnh đến việc quản lý từ nguồn đến biển tập trung vào mối liên kết giữa các hệ sinh thái từ nguồn đến biển và tập hợp tất cả các tác nhân để chủ động tạo ra các giải pháp phục hồi và bảo vệ đại dương.
Cách tiếp cận quản lý này cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa các Mục tiêu Thiên niên kỷ đặc biệt là đại dương, nước, đa dạng sinh học và khí hậu./.