Hơn 2 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước sạch để sử dụng, trong đó có những người thuộc nhóm nghèo nhất.
Trong vài thập niên tới, thực trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn khi thế giới liên tục hứng chịu nạn hạn hán ngày càng nghiêm trọng, ô nhiễm nguồn nước lan rộng, xâm nhập mặn và quản lý sử dụng nước bất cập. Một giải pháp “vô hình” được tin là đang ẩn dưới lòng đất: Nước ngầm.
Nước ngầm giúp duy trì hệ sinh thái, dòng chảy của các con sông, ngăn chặn tình trạng sụt lún đất và xâm nhập mặn, là một phần quan trọng của các biện pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và là giải pháp quan trọng cho những nơi thiếu nước sử dụng an toàn.
Chính vì vậy, Ngày Nước thế giới (22/3) năm 2022 được Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) lấy chủ đề là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình” (“Groundwater - Making the invisible visible) nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ đề của ngày 22/3 năm nay hướng tới việc nâng cao nhận thức về nguồn nước vô hình này, thúc đẩy trao đổi hiểu biết và hợp tác từ đó tăng cường nhận thức về vai trò của việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm.
Theo các dữ liệu khoa học, chỉ có khoảng 1% nguồn nước trên Trái Đất là nước ngọt, tập trung chủ yếu ở các dải băng ở hai cực và phần còn lại ở dạng nước mặn trong các đại dương. Trong số nước ngọt ở dạng lỏng trên Trái Đất, 99% là nước ngầm với chất lượng nhìn chung là tốt.
[Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông: Bảo vệ "mạch nguồn" xanh]
Do đó, nguồn nước này có thể được sử dụng một cách an toàn, giá cả phải chăng và không cần phải qua xử lý quá phức tạp. Có khoảng 10-20% nước ngầm có thể được tái tạo tự nhiên, nước ngầm cũng có thể được khai thác ở độ sâu vừa phải.
Phần còn lại được gọi là “nước hóa thạch” đã ở dưới mặt đất hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm. Nguồn nước này dù không thể tái tạo nhưng có rất nhiều.
Trong khi đó, nước dự trữ trên bề mặt, như nước từ các đầm và các đập chứa, là các nguồn hữu hạn, chi phí khai thác cao, thường chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu như hạn hán, trong khi các phương pháp khai thác nguồn nước này lại kéo theo những hậu quả về sinh thái và xã hội.
Liên hợp quốc ước tính mỗi năm lượng nước được sử dụng trên thế giới lại tăng 1%. Biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác, sử dụng nước một cách thiếu quy hoạch đang khiến các nguồn cung nước bề mặt như hồ và đập chứa dần cạn kiệt.
Năm 2018 có 3,6 tỷ người dân trên thế giới không có đủ lượng nước sử dụng trong ít nhất 1 tháng và con số này sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2050. Vì thế, theo Liên hợp quốc, nước ngầm sẽ dần trở thành nhân tố đóng vai trò hàng đầu để duy trì nguồn cung thiết yếu cho mọi sinh vật sống trên Trái Đất.
Hiện nay các hệ thống nước ngầm có vai trò quan trọng với những môi trường tự nhiên như các cánh rừng và cung cấp khoảng 25% lượng nước sử dụng trong trồng trọt.
Khoảng 50% lượng nước sử dụng trong gia đình của người dân trên thế giới là từ các mạch nước ngầm và đây cũng là nguồn nước uống rẻ nhất của nhiều người dân ở các vùng nông thôn, làng mạc, những người hầu như không kết nối với các hệ thống cấp nước công hoặc tư nhân.
Bên cạnh đó, 40% lượng nước tưới tiêu trong nông nghiệp và khoảng 30% lượng nước cho sản xuất công nghiệp có được từ nguồn nước ngầm. Việc phát triển các nguồn nước ngầm được coi là là chất xúc tác cho quá trình phát triển kinh tế nhờ mở rộng diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu, cải thiện sản lượng vụ mùa và đa dạng hóa các loại hoa màu.
Tuy nhiên, theo báo cáo phát triển nước thế giới 2022 của Liên hợp quốc, dù đóng vai trò quan trọng, nước ngầm vẫn là một “nhân tố bí ẩn,” với rất ít kiến thức về nguồn tài nguyên này, giá trị của nước ngầm chưa được phát huy đầy đủ, cùng với đó là tình trạng sử dụng vô độ, thậm chí lãng phí.
Tác giả chính của báo cáo, chuyên gia Richard Connor, nhận định việc quản lý và khai thác các nguồn nước ngầm một cách bền vững chính là cơ hội lớn để thế giới thoát một cuộc khủng hoảng nước với hậu quả khôn lường. Điều này càng quan trọng hơn khi dân số thế giới mỗi ngày một tăng, kéo theo áp lực ngày càng lớn đối với các nguồn cung cấp nước.
Tình trạng khai thác quá mức có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như sụt lún đất và tranh chấp nguồn nước.
Năm 2018, khi Ấn Độ trải qua cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng nhất trong lịch sử, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ nước này dự báo ít nhất 40% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sẽ không có nguồn nước sạch ổn định vào năm 2030.
Các đợt hạn hán cũng đang xảy ra thường xuyên hơn khi khí hậu ngày càng nóng lên, khiến đời sống và hoạt động sản xuất của người nông dân khó khăn hơn, trong khi tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các bang cũng tăng.
Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng đã khiến các vùng tích nước dần biến mất, buộc người dân tăng phụ thuộc vào nguồn nước ngầm, khiến đại đô thị Jakarta sụt lún khoảng 5-11cm mỗi năm.
Nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm vì các hệ thống vệ sinh, xử lý chất thải không hợp lý, cũng như chất thải công nghiệp từ các hoạt động khai mỏ và sử dụng chất hóa học trong nông nghiệp. So với nước bề mặt thì nước ngầm chịu ảnh hưởng ít hơn nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm, nhưng một khi xảy ra thì sẽ khó để xử lý và bảo vệ hơn.
Do đó, chuyên gia Connor kêu gọi hành động nhiều hơn để bảo vệ các mạch nước ngầm bằng cách củng cố năng lực cho các cơ quan bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường và các lực lượng giám sát thực thi.
Các chính phủ cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng nước, các viện nghiên cứu về nguồn tài nguyên này và đào tạo các chuyên gia. Nước không phải nguồn cơn gây căng thẳng và tranh chấp mà cách quản lý sử dụng nước mới là vấn đề, đặc biệt ở những nơi có nguồn nước.
Ở khía cạnh này các chính phủ cần hình thành các hệ thống như các ủy ban phụ trách quản lý mạch nước ngầm để chia sẻ thông tin và tìm cách quản lý sử dụng phù hợp. Ở góc độ cá nhân, chuyên gia Connor cho rằng mỗi người có ý thức tự giác tiết kiệm nước sử dụng sẽ tạo nên sức mạnh cộng đồng to lớn.
Thói quen sử dụng nước trong nhà là yếu tố căn bản. Nếu mỗi người đều có ý thức tiết kiệm nước thì sẽ giảm thiểu lượng nước đã qua sử dụng, giảm thiểu lượng nước cần được xử lý, giúp tiết kiệm năng lượng, qua đó chính là giúp bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu
Việt Nam là quốc gia có nguồn nước ngầm khá phong phú về trữ lượng và khá tốt về chất lượng.
Với quan điểm “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước,” Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước; khai thác, sử dụng nguồn nước sạch hợp lý nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ chú trọng các hoạt động đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất...
Trong thông điệp nhân Ngày Nước thế giới 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Nước ngầm không thể nhìn thấy, nhưng chúng ta không thể vì thế không nghĩ và quan tâm đến nó. Ở nhiều nơi, chúng ta chỉ đơn giản là không biết trữ lượng của nguồn tài nguyên quý giá này còn bao nhiêu.
Chúng ta hãy cam kết tăng cường hợp tác giữa các ngành và hợp tác xuyên biên giới để có thể cân bằng bền vững giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên; đồng thời khai thác, sử dụng bền vững nước ngầm cho các thế hệ hiện tại và tương lai”./.