Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp Ban điều phối thực hiện “Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.”
Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ các bộ, ngành và 28 địa phương có biển trên cả nước đã đánh giá những việc đã làm được trong quá trình triển khai Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam, giai đoạn 2016-2018; thảo luận, đưa ra những đề xuất, giải pháp cho Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chủ động triển khai các nội dung cơ bản
Đánh giá kết quả triển khai Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam, giai đoạn 2016-2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết, thời gian qua các tỉnh đã rất tích cực, chủ động triển khai các nội dung của quản lý tổng hợp vùng bờ trong khuôn khổ các kế hoạch, chương trình, dự án về quản lý tổng hợp vùng bờ với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng như huy động sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.
Nhiều nội dung cơ bản của quản lý tổng hợp đới bờ tại Mục 5 của Quyết định số 914 của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện.
Cụ thể, hiện có 9 tỉnh đã tổ chức xây dựng báo cáo hiện trạng vùng bờ trên địa bàn, 5 tỉnh đang chuẩn bị xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng thông qua việc lồng ghép với các nhiệm vụ liên quan, còn lại các tỉnh khác chưa xây dựng báo cáo hiện trạng vùng bờ trên địa bàn.
Đến nay đã có 11 tỉnh thiết lập cơ chế điều phối đa ngành; có 13 tỉnh đã tổ chức triển khai phân vùng chức năng vùng bờ trên địa bàn, các tỉnh còn lại chưa đề cập đến phân vùng chức năng vùng bờ.
Có 2 tỉnh đã công bố danh mục các khu vực yêu cầu phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển gồm Quảng Ngãi và Hải Phòng; 9 tỉnh là Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang gửi báo cáo lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; các tỉnh còn lại hiện mới đang trong giai đoạn xây dựng, triển khai thực hiện nhiệm vụ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Hiện 18/28 tỉnh, thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án hoặc các dự án liên quan đến quản lý tổng hợp vùng bờ.
Một số tỉnh đã thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ trước đây trong khuôn khổ các dự án quốc tế giữa Đà Nẵng, Quảng Nam (PEMSEA hỗ trợ); Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu (Chính phủ Hà Lan hỗ trợ) đã phát huy các kết quả đạt được và một số tỉnh còn là mô hình tốt cho các địa phương khác noi theo.
Việc triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ có nhiều thuận lợi, như hệ thống thể chế chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo bước đầu được xây dựng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các tỉnh có biển xây dựng và triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ.
[Việt Nam đủ điều kiện trở thành một cường quốc biển mạnh]
Hệ thống các Chi cục Biển và Hải đảo ở các tỉnh được thành lập đã giúp Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh triển khai quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó có quản lý tổng hợp vùng bờ; sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEMSEA trong thời gian qua đã giúp nâng cao năng lực về quản lý tổng hợp vùng bờ ở cấp trung ương và tỉnh.
Những giải pháp khả thi
Tuy vậy, Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam, giai đoạn 2016-2018 vẫn còn nhiều tồn tại ở nhiều cấp, nhiều địa phương.
Về phía Trung ương, nguồn tài chính hạn chế, trước mắt dành cho các nhiệm vụ, dự án cấp thiết được ưu tiên để giải quyết các vấn đề và tồn tại trong công tác quản lý nhà nước.
Trong năm 2017, do việc thành lập mới một số đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở sát nhập một số đơn vị như Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường, Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường… gây nên gián đoạn một thời gian dài trong việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tăng cường năng lực, đào tạo và truyền thông về quản lý tổng hợp vùng bờ.
Quyết định số 2295 ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 8 nhiệm vụ; Quyết định số 914 ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa 8 nhiệm vụ này thành 11 nhiệm vụ.
Theo quyết định, cấp Trung ương được giao triển khai 10 nhiệm vụ (Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì 8 nhiệm vụ; Bộ Khoa học và Công nghệ một nhiệm vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo một nhiệm vụ); các tỉnh triển khai một nhiệm vụ là lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trong phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Kết quả thực hiện 11 nhiệm vụ của Kế hoạch hành động tính đến năm 2018 đã có một nhiệm vụ hoàn thành, 3 nhiệm vụ đang triển khai và vẫn còn 7 nhiệm vụ chưa triển khai.
Bên cạnh đó chưa có tỉnh, thành phố nào triển khai lập Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ theo quy định tại Thông tư số 49/2017 ngày 30/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về lập, điều chỉnh Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Do một trong các căn cứ lập chương trình là quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được ban hành (quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo).
Các địa phương có biển còn gặp khó khăn trong xây dựng và triển khai chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tại 28 tỉnh do thiếu cơ sở pháp lý.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, một trong các cơ sở pháp lý cho việc lập chương trình là quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Dự kiến quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ vào năm 2021, trong khi khung thời gian thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động sẽ kết thúc vào năm 2020.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp như rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng để hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó có quản lý tổng hợp vùng bờ; các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo, đặc biệt là xây dựng các quy định hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tổng hợp vùng bờ, trong đó tập trung vào hướng dẫn lập báo cáo hiện trạng vùng bờ và hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung hoàn thành xây dựng quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, tạo cơ sở pháp lý cho triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ ở tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp vùng bờ, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, huy động tài chính từ các dự án ODA cho quản lý tổng hợp vùng bờ.
Đặc biệt, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất cần triển khai tốt dự án Tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á tại Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tại Trung ương và 14 tỉnh, thành phố. Trước mắt ưu tiên 6 địa phương gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Kiên Giang.
Dự án Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ tại một số tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại.
Dự án Hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng cửa sông Hải Phòng và các Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long do Quỹ Môi trường thế giới Pháp (FFEM) và Cộng đồng đô thị vùng Brest đồng tài trợ qua Cơ quan phát triển Pháp (AFD).
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đề xuất các ý kiến về rà soát, kiện toàn Ban điều phối. Sau năm 2020, tiến hành rà soát, lồng ghép Ban điều phối với Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thời gian tới cần rà roát, lồng ghép nội dung của Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam với Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần thực hiện Nghị quyết số 36 mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững./.