Giải pháp thúc đẩy đưa sáng chế vào ứng dụng tại Việt Nam

Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chia sẻ về giải pháp thúc đẩy đưa sáng chế vào ứng dụng, định hướng phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Sở hữu trí tuệ là công cụ bảo vệ, phát triển giá trị sản phẩm. (Nguồn: Vietnam+)

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu về gia tăng cả về số lượng và chất lượng các tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế và các chủ thể có liên quan được quy định rõ.

Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc phỏng vấn ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, về giải pháp thúc đẩy đưa sáng chế vào ứng dụng cũng như định hướng phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả, phục vụ cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

- Từ thực tiễn hoạt động đăng ký sáng chế, ông có thể cho biết những lợi ích mà hoạt động đăng ký sáng chế mang lại?

Ông Lê Huy Anh: Đăng ký bảo hộ sáng chế là hoạt động để thông qua đó sáng chế được bảo hộ độc quyền sáng chế. Để được Nhà nước bảo hộ, sáng chế phải đáp ứng điều kiện bảo hộ.

Khi giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình được bảo hộ tức là được cấp văn bằng bảo hộ trong một thời hạn nhất định, chủ thể quyền được độc quyền sử dụng, khai thác đối tượng được bảo hộ, quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng và quyền định đoạt như cho, tặng, thừa kế như các quyền tài sản khác.

Độc quyền sáng chế là loại quyền sở hữu trí tuệ mạnh nhất do tính chất độc quyền mà nó mang lại. Trong nhiều trường hợp không có sự thay thế, các chủ thể trên thế giới đã đầu tư rất nhiều tiền để đăng ký bảo hộ sáng chế.

Hiện nay, các Chính phủ, các chủ thể sáng tạo áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ tài sản trí tuệ đối với sáng chế, đặc biệt. Việc ký các FTA (Hiệp định thương mại tự do) có chuẩn mực bảo hộ cao đối với sáng chế cũng là một trong số các biện pháp để các nước phát triển bảo vệ loại tài sản quan trọng này.

Có rất nhiều lợi ích mà việc đăng ký bảo hộ sáng chế có thể mang lại như độc quyền. Đây là điều rất hiếm trong nền kinh tế thị trường và độc quyền giúp chủ thể quyền có được độc quyền sản xuất, độc quyền kinh doanh, độc quyền giá, độc chiếm thị trường, từ đó vượt trên đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, lợi ích về việc tăng cường danh tiếng của chủ quyền, bán quyền sử dụng sáng chế, phong tỏa đối thủ cạnh tranh, tạo ra hàng rào pháp lý làm nản lòng đối thủ cạnh tranh... cũng là những lợi ích mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến.

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hoạt động nộp đơn sáng chế và vấn đề cấp bằng sáng chế tại Việt Nam hiện nay?

Ông Lê Huy Anh: Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đề ra mục tiêu gia tăng cả về số lượng và chất lượng các tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam, trong đó số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ.

Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của sáng chế trong việc phát triển kinh tế-xã hội dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều tỉnh, thành phố và các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn đã có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đăng ký sáng chế. Điều này giúp cho sự tăng trưởng đơn đăng ký sáng chế của người nộp đơn Việt Nam trong giai đoạn gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng.

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ và số lượng bằng độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ra trong những năm gần đây đều có xu hướng tăng, kể cả trong giai đoạn COVID-19.

Đặc biệt, năm 2023, số lượng Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người nộp đơn Việt Nam đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022 gồm 315 Bằng độc quyền sáng chế, trong khi năm 2022 là 153 bằng và 391 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích so với năm 2022 là 176 Bằng.

- Giải pháp để thúc đẩy đưa sáng chế vào ứng dụng cũng như định hướng phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả, phục vụ cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Lê Huy Anh: Thúc đẩy đưa sáng chế vào ứng dụng trong thực tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần phát triển mạng lưới Trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ, đặc biệt là sáng chế.

Bên cạnh đó, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, khuyến khích, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập doanh nghiệp để khai thác quyền sở hữu trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. (Nguồn: Báo Công Thương)

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.

Đồng thời, phát triển thị trường tài sản trí tuệ lành mạnh theo hướng mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trung gian để tăng cường kết nối cung cầu về tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá tài sản trí tuệ làm cơ sở thực hiện các giao dịch trên thị trường; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đặt hàng, giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng từ nhu cầu, đề xuất của doanh nghiệp

Để thúc đẩy đưa nhanh sáng chế tại Việt Nam vào ứng dụng, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác tài sản trí tuệ thông qua hoạt động thương mại hóa sáng chế.

Cục hướng dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc nghiên cứu các công nghệ phù hợp từ các sáng chế đã hết hiệu lực hoặc không được bảo hộ tại Việt Nam để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cần sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau để kết nối giữa cung - các nhà sáng tạo và cầu - doanh nghiệp, thương mại hóa sáng chế chính là cầu nối giúp đưa sáng chế đến thị trường.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì thành lập Mạng lưới TISC (Các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo).

Tính đến tháng 3/2024, Mạng lưới TISC Việt Nam có 51 thành viên, phần lớn là các trường đại học, viện nghiên cứu và một số doanh nghiệp.

Mục tiêu Dự án TISC của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm hỗ trợ việc tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ, thông tin sáng chế chất lượng cao và các dịch vụ liên quan; trợ giúp trong việc tra cứu thông tin sáng chế, phát triển và thương mại hóa sáng chế.

Trong khuôn khổ Mạng lưới TISC, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai một loạt các hoạt động để nâng cao năng lực quản trị và thương mại hóa sáng chế cho các đơn vị thành viên mạng lưới.

Bên cạnh việc việc tăng số lượng sáng chế được bảo hộ, Việt Nam cần chú trọng đến chỉ tiêu về thương mại hóa sáng chế, ứng dụng sáng chế vào cuộc sống để đem lại giá trị cho đất nước, trong đó, cần đổi mới cách tiếp cận, cần xem sở hữu trí tuệ như là công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị sản phẩm, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục