Giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu

Các vấn đề với nguồn cung hàng hóa đầu vào gần đây là một trong những nguyên nhân khiến Viện Ifo của Đức hạ dự báo tăng trưởng GDP của Đức năm nay xuống còn 3,3%.
Giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1(Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí Project Syndicate, các nhà sản xuất ôtô và điện tử trên toàn thế giới gần đây đã phải giảm sản lượng vì hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan (Trung Quốc) ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chất bán dẫn của vùng lãnh thổ này.

Điều đó đã thúc đẩy các nền kinh tế tiên tiến thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu tác động đối với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng có thể gây ra ảnh hưởng kinh tế đáng kể. Ví dụ, Đức nhập khẩu 8% sản phẩm trung gian từ các nước có mức lương thấp, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ khoảng 4,6%.

Các vấn đề với nguồn cung hàng hóa đầu vào gần đây là một trong những nguyên nhân khiến Viện Ifo của Đức hạ dự báo tăng trưởng GDP của Đức năm nay xuống còn 3,3%.

Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng giúp giải thích lý do tại sao Liên minh châu Âu (EU) dành một phần trong quỹ phục hồi “Thế hệ tiếp theo của EU” trị giá 750 tỷ euro (884 tỷ USD) để tăng cường năng lực thiết kế và sản xuất chất bán dẫn của châu Âu.

Tập đoàn sản xuất chip Intel của Mỹ có kế hoạch đầu tư vào một số nước châu Âu và mở một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong khu vực với sự hỗ trợ của EU.

Trong khi đó, Bosch -nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất châu Âu- gần đây đã mở một nhà máy sản xuất chip ở Dresden với sự trợ giúp từ các khoản trợ cấp của châu Âu.

Đây là dự án mới nhất trong một loạt các dự án sản xuất pin ở Silicon Saxony - thung lũng Silicon phiên bản châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng dự án này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào các nhà cung cấp ở châu Á và giúp Đức có thể chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng về khí hậu và y tế toàn cầu trong tương lai.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng có những quan ngại tương tự. Vào tháng 6/2021, một lực lượng đặc nhiệm do chính quyền Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm đã trình bày đánh giá của họ về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Mỹ đối với bốn sản phẩm chính: Chất bán dẫn và vật liệu đệm kín tiên tiến, pin dung lượng lớn được sử dụng trong xe điện, các vật liệu và khoáng sản quan trọng và các nguyên liệu dược phẩm cao cấp.

[Volkswagen dự báo lượng xe bàn giao giảm do thiếu chip bán dẫn]

Một số người có thể cho rằng những nỗ lực của chính phủ các nước giàu nhằm tăng cường mạng lưới sản xuất trong nước và khu vực phản ánh một hình thức kinh tế dân tộc chủ nghĩa mới. Nhưng câu hỏi quan trọng là liệu các công ty có thực sự cần sự giúp đỡ của nhà nước để tự bảo vệ mình trước sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng hay không.

Có ba giải pháp mà các doanh nghiệp của các nền kinh tế tiên tiến có thể làm để nguồn cung của họ trở nên linh hoạt hơn.

Đầu tiên là thu hút sản xuất từ các nước đang phát triển. Nghiên cứu gần đây cho thấy, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng “hồi hương” các hoạt động sản xuất - vốn bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Sự gián đoạn sản xuất và chi phí vận chuyển cao hơn do đại dịch khiến chuỗi cung ứng trở nên đắt đỏ hơn. Giá các container được sử dụng để vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu và Mỹ tăng khoảng tám lần. Đồng thời, lãi suất cho vay giảm mạnh so với mức lương theo giờ sau cuộc khủng hoảng tài chính, khiến các hoạt động sản xuất dựa trên robot rẻ hơn nhiều so với việc sử dụng công nhân.

Cách thứ hai để các công ty có thể đảm bảo chống lại các cú sốc trong chuỗi cung ứng là tăng hàng tồn kho. Các công ty từ những nước giàu từ lâu đã áp dụng các hoạt động sản xuất tinh gọn giúp họ giảm đáng kể chi phí.

Nhưng nhiều công ty đang tính đến việc chuyển đổi mô hình sản xuất để tăng cường năng lực dự phòng. Mặc dù chi phí bỏ ra nhiều hơn, nhưng bù lại giải pháp này mang lại sự an toàn và khả năng dự đoán cao hơn.

Thứ ba, các công ty có thể đa dạng hóa nguồn cung bằng cách dựa vào các nhà cung cấp từ các lục địa khác nhau để phòng tránh rủi ro thiên tai hoặc các gián đoạn mang tính khu vực khác. Nhưng chiến lược này có những mặt hạn chế. Ví dụ, một nhà cung cấp có chuyên môn cao, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cung cấp một mặt hàng cụ thể thì không dễ thay thế và việc tìm nguồn cung ứng khác có thể tốn kém hơn.

Việc các nhà cung cấp tập trung tại một số khu vực cũng gây khó khăn cho nhu cầu đa dạng hóa của doanh nghiệp. Hầu hết các nhà sản xuất chip, pin, vật liệu đất hiếm như coban và lithium và các nguyên liệu dược phẩm đều có trụ sở tại châu Á. Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc thống trị thị trường chất bán dẫn toàn cầu, trong khi Trung Quốc sản xuất khoảng 70% pin xe điện trên thế giới.

Sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu hiện nay đã phản ánh những rủi ro khi các nhà cung cấp hàng hóa phân nhóm theo địa lý và những tác động tiềm tàng đối với phần còn lại của thế giới.

Trong một bài báo năm 2012, chuyên gia Daron Acemoglu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ và các đồng tác giả đã chỉ ra rằng sự gián đoạn đối với mạng lưới chuỗi cung ứng bất đối xứng - trong đó một hoặc một số công ty cung cấp hàng hóa đầu vào cho nhiều nhà sản xuất - có thể lan rộng khắp nền kinh tế thế giới và có khả năng dẫn đến suy thoái toàn cầu.

Hai nghiên cứu gần đây ủng hộ kết luận rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Jean-Noël Barrot của Trường kinh doanh HEC Paris và Julien Sauvagnat của Đại học Bocconi đã nghiên cứu các thảm họa thiên nhiên lớn trong ba thập kỷ ở Mỹ và nhận thấy rằng các nhà cung cấp bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, động đất hoặc các sự kiện tương tự sẽ gây ra thiệt hại lớn về sản lượng cho khách hàng.

Khi thảm họa xảy ra với một nhà cung cấp, tăng trưởng doanh số bán hàng của các công ty giảm trung bình 2-3 điểm phần trăm và hiệu ứng lan sang các nhà cung cấp khác, khiến cho tác động từ cú sốc ban đầu tăng lên.

Trong những trường hợp như vậy, các chính phủ có thể đóng vai trò hỗ trợ các công ty tìm kiếm những nhà cung cấp thay thế tiềm năng hơn. Bằng cách khuyến khích các công ty chuyển sang các lĩnh vực có khả năng bị gián đoạn nguồn cung cao, các chính phủ ở EU và Mỹ có thể đảm bảo rằng có đủ số lượng nhà cung cấp ở cả châu Âu và Bắc Mỹ để phòng ngừa rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thế giới gần đây đã chứng kiến một loạt tình huống mà chuỗi cung ứng bị gián đoạn và có thể sẽ hứng chịu nhiều đại dịch toàn cầu và thời tiết khắc nghiệt hơn trong tương lai. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ về cách giảm thiểu tác động của những cú sốc như vậy đối với mạng lưới sản xuất và nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục