Giải pháp tăng nguồn cung lao động của "đại gia" châu Âu

Đức đang nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng và mong muốn biến quốc gia đầu tàu châu Âu này thành một điểm đến hấp dẫn hơn.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ ngày 27/6, Luật quốc tịch sửa đổi của Đức có hiệu lực, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch và rút ngắn thời gian xin nhập tịch cho các công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Theo luật mới, những người nhập cư hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay. Nếu người nộp đơn xin quốc tịch có những thành tựu đặc biệt, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm.

Với cải cách này, Chính phủ Đức đặt mục tiêu đối phó với tỷ lệ nhập quốc tịch thấp của nước này là 1,1%, thấp hơn mức trung bình 2% của EU.

Theo Bộ Nội vụ Liên bang Đức, khoảng 14% dân số nước này không có quốc tịch Đức, tương đương hơn 12 triệu người. Trong đó, 5 triệu người đã sống ở Đức ít nhất 10 năm.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng và mong muốn biến quốc gia đầu tàu châu Âu này thành một điểm đến hấp dẫn hơn.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), nước này thiếu lao động cho khoảng 1,8 triệu việc làm vào năm 2023. Một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Đức cho thấy sản lượng kinh tế năm 2024 dự kiến giảm 49 tỷ euro (52,4 tỷ USD) do thiếu lao động.

Trong khi đó, số liệu thống kê do Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho thấy Đức có số lượng người nhập cư tăng thêm 663.000 năm 2023, thấp hơn 50% so với con số kỷ lục 1,46 triệu người vào năm 2022.

Số người di cư đến Đức năm ngoái giảm chủ yếu do số người nhập cư Ukraine giảm mạnh (75%) so với năm trước. Tuy nhiên, khi so sánh với thời gian dài hơn, số người nhập cư năm 2023 vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, Đức cũng đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa gia tăng. Theo Destatis, khoảng 693.000 trẻ em sinh ra tại Đức, mức thấp nhất trong 10 năm. Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu về Xây dựng, Đô thị và Phát triển Không gian công bố tuần trước dự báo số người nghỉ hưu tăng 13,6% vào năm 2045.

Số liệu của Destatis cho thấy lạm phát tại nước này tăng trong tháng 5/2024, do các yếu tố mang tính tạm thời. Theo số liệu của Destatis, giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong tháng 5/2024 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,2% trong tháng 4/2024 và là lần tăng đầu tiên trong 6 tháng. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm thường biến động, không đổi, vẫn ở mức 3%, dù được dự báo sẽ tăng nhẹ.

Các nhà quan sát cho rằng lạm phát cơ bản tăng chủ yếu là do việc áp dụng giá vé phương tiện công cộng đồng hạng 49 euro (53 USD) vào tháng 5/2023, "bóp méo" sự so sánh giữa các năm.

Nhà phân tích Elmar Voelker của ngân hàng LBBW cho rằng số liệu của Đức cho thấy lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro đã tăng trong tháng 5/2024.

Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trước đó cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động.

Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (IW), nền kinh tế trì trệ đang ngày càng tác động xấu đến thị trường việc làm nước này, khiến số lượng người thất nghiệp có nguy cơ tăng cao.

Viện IW cho biết số người thất nghiệp ở Đức dự kiến sẽ tăng gần 2,8 triệu người trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015. Chuyên gia thị trường lao động Holger Schäfer của Viện IW cho biết trong năm ngoái, thị trường lao động Đức khá ổn định, bất chấp suy thoái kinh tế. Nhưng năm nay, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng được cảm nhận một cách rõ ràng hơn, trong đó có thị trường việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục