Ngành chăn nuôi lợn vừa trải qua thời điểm khủng hoảng do dịch tả lợn châu Phi, còn đến lúc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi cho rằng các hộ chăn nuôi đã có thể tái đàn, tăng đàn lợn.
Vậy biện pháp nào để tái đàn lợn bền vững nhằm hạn chế dịch bệnh, đồng thời sản phẩm thịt lợn sau khi tái đàn có thể vượt qua sức ép cạnh tranh từ thịt lợn nhập khẩu, khi cam kết cắt giảm thuế từ các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong thời gian tới.
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xung quanh vấn đề trên.
- Qua “cú sốc” dịch tả lợn châu Phi, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì, thưa bà?
Bà Hạ Thúy Hạnh: Dịch tả lợn châu Phi đã gây ra cú sốc rất lớn đến ngành chăn nuôi, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn. Qua sự việc này, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà cả các hộ chăn nuôi đều cho rằng chăn nuôi có kiểm soát; trong đó chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng. Đây chính là bài học đầu tiên.
[Phó Thủ tướng: Tăng mạnh đàn lợn nhưng không để mất cân đối cung cầu]
Một vấn đề quan trọng nữa là khâu giám sát dịch bệnh để kiểm tra tồn dư mầm bệnh trong môi trường, song song với đó là khâu tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong vấn đề chăn nuôi để thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi tránh khỏi dịch bệnh.
Một bài học nữa là khâu tổ chức bộ máy giám sát ở các địa phương, đặc biệt là cán bộ thú y, khuyến nông cấp xã giúp cho việc phát hiện bệnh sớm cũng như bao vây dịch để việc phòng, chống được hiệu quả.
- Thưa bà, một câu hỏi mà nhiều hộ chăn nuôi hiện nay rất quan tâm, đó là có nên tái đàn lợn hay chưa và biện pháp nào để tái đàn và tăng đàn lợn bền vững?
Bà Hạ Thúy Hạnh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn lợn.
Người chăn nuôi không nên tái đàn một cách ồ ạt mà nên tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện chăn nuôi, đặc biệt là điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học.
Thực tế mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn dư ở trong các môi trường chăn nuôi nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là hoàn toàn có thể, trong khi vắcxin cũng như thuốc điều trị là chưa có.
Tuy nhiên, với công tác kiểm tra chặt chẽ của ngành chức năng, dịch tả lợn châu Phi đã nằm trong tầm kiểm soát nên người chăn nuôi lợn có thể tái đàn.
Chỉ những hộ, vùng nào chưa có dịch hoặc địa phương, địa bàn có dịch nhưng đã quá 30 ngày chưa xuất hiện thêm ca bệnh thì được tái đàn theo các hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Một số tỉnh đã bắt đầu tái đàn lợn, vậy theo bà, chúng ta cần có những giải pháp gì để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi? Riêng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có khuyến cáo gì với người chăn nuôi?
Bà Hạ Thúy Hạnh: Để việc tái đàn được đảm bảo, Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo, chỉ những hộ chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì thực hiện tái đàn.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với ngành chăn nuôi và các đơn vị thú y tại các địa phương để đào tạo tập huấn những chương trình về an toàn chăn nuôi, an toàn sinh học; trong đó hướng dẫn người chăn nuôi về thiết kế chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh thú ý.
Đặc biệt, người chăn nuôi cần làm tốt khâu an toàn sinh học như cách ly, làm sạch, khử trùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua cũng đã có hướng dẫn cụ thể với các hộ trước khi tái đàn, đó là phải xử lý chuồng trại, tiêu độc khử trùng đạt yêu cầu theo quy định.
Cùng với đó, các hộ chăn nuôi phải mua lợn giống ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin trước khi tiến hành tái đàn.
Đồng thời, người chăn nuôi nên tái đàn ở tỷ lệ 10%, sau đó có thể tăng lên để đảm bảo quy mô đàn lợn.
Đặc biệt, khi bắt đầu tái đàn, hộ chăn nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương và trong quá trình chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo việc tái đàn lợn được bền vững và hiệu quả.
Từ 1/1/2020, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực và có quy định cụ thể về điều kiện chăn nuôi như chuồng trại, vệ sinh thú y, điều kiện về môi trường chăn nuôi. Vì vậy, việc tái đàn lợn cũng cần thực hiện theo những quy định của Luật.
- Ngành chăn nuôi nhận diện cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA như thế nào, thưa bà?
Bà Hạ Thúy Hạnh: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội và thách thức.
Nếu nói về cơ hội thì sản phẩm của ngành chăn nuôi có thể đa dạng và tiếp cận được rất nhiều thị trường, đồng thời cũng là động lực để cho các ngành hàng; trong đó có ngành chăn nuôi phát triển theo đúng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Còn về thách thức, ngành chăn nuôi cần phải tăng cường liên kết để đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng cần nâng cao khả năng cạnh tranh, bởi khi thuế ưu đãi từ các hiệp định thương mại được áp dụng thì hàng hóa của các thị trường cũng sẽ vào thị trường nội địa, khi đó hàng hóa của Việt Nam phải đảm bảo có chất lượng tốt hơn, đặc biệt trong vấn đề truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.
Sản phẩm của ngành chăn nuôi còn phải đảm bảo theo những yêu cầu của các Tổ chức Dịch tễ thế giới (OIE).
- Thưa bà, vậy chúng ta cần làm gì để đưa các nông hộ chăn nuôi lợn vào các chuỗi liên kết nhằm tận dụng những cơ hội mà các Hiệp định này mang lại?
Bà Hạ Thúy Hạnh: Để dẫn dắt các nông hộ chăn nuôi lợn vào các chuỗi liên kết nhằm tận dụng những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại, việc đầu tiên cần làm là tăng cường thông tin tuyên truyền đến với người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng.
Sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường nội địa hiện nay cũng đã có những yêu cầu cao hơn rất nhiều so với thời điểm nhiều năm trước. Đó chính là những vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm thực phẩm...
Còn với sản phẩm xuất khẩu, cần thông tin đến người sản xuất để những sản phẩm hàng hóa mang tính chất liên kết phải công khai minh bạch những yêu cầu như mã vùng trồng, quy hoạch về vùng chăn nuôi, quy trình từ khâu giống đến khâu chăn nuôi, vệ sinh thú y đến khâu chế biến, vận chuyển, giết mổ... theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam cũng có một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, được nhiều thị trường nhập khẩu ưa chuộng.
Tuy nhiên, để những mặt hàng này có sự ổn định, đứng vững và tồn tại lâu dài ở các thị trường nhập khẩu, ngoài mặt chất lượng thì hàng hóa Việt Nam cần đảm bảo những yêu cầu của quy định thuế quan cũng như những quy định về hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.
Đây là những yêu cầu rất quan trọng và cần truyền thông đến người sản xuất, tăng cường đào tạo tập huấn kỹ thuật, xây dựng những chương trình điểm để người sản xuất có thể học tập những mô hình hay, kỹ thuật tốt nhằm hướng xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, đảm bảo những yêu cầu khắt khe nhất.
Có thế thấy cơ hội và thách thức từ những Hiệp định thương mại tư do như CPTPP hay EVFTA mang lại rất nhiều.
Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng cần cố gắng nhiều hơn trong sản xuất để tận dụng được những cơ hội, đồng thời tránh được những rủi ro cho nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
- Xin cảm ơn./.