Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng điện-điện tử...
Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt nhiệm vụ ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ làm trọng tâm, thúc đẩy liên kết, tạo vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực, qua đó cải thiện về tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp, tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, thân thiện với môi trường.

Đa dạng hóa ngành nghề công nghiệp hỗ trợ

Theo Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành nghề đa dạng như: cơ khí hàng hải, dầu khí, tàu thuyền, chế tạo, kết cấu thép, cơ khí gia công luyện cán thép, linh kiện điện tử, linh kiện máy móc, đóng sửa tàu thuyền...

Hiện, ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tương đương 150.000 tỷ đồng.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp ưu tiên theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển của ngành công nghiệp.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng điện-điện tử; dệt may-da giày và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Nhờ định hướng rõ ràng, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được cải thiện rõ rệt. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, thị xã Phú Mỹ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pavonine Vina là một trong những nhà cung cấp chính các phụ kiện điện tử bằng vật liệu nhôm cao cấp cho Tập đoàn Samsung.

[Bà Rịa-Vũng Tàu tạo lợi thế, cơ hội mới cho ngành công nghiệp]

Theo Giám đốc Nhân sự Lee Minseog, công ty gia công khoảng 2 triệu sản phẩm trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021. Các sản phẩm bao gồm khung tivi và các sản phẩm điện tử khác nhau theo đơn đặt hàng của đối tác.

Để trở thành đối tác của Samsung, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pavonine Vina đã và đang lên kế hoạch đầu tư thêm máy móc tự động hóa trong hệ thống dây chuyền sản xuất để tăng công suất 30%.

Cùng với đó, Samsung còn yêu cầu các doanh nghiệp trong chuỗi phải chú trọng đến cả môi trường lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chú trọng hỗ trợ các dự án công nghiệp lớn như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của Hyosung; quan tâm triển khai các dự án điện khí, dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước sau một thời gian đầu tư vào tỉnh thành công cũng đã tăng vốn, mở rộng sản xuất...

Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, những năm tới, tỉnh tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với công nghệ thông minh, đồng thời tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.

Tỉnh cũng triển khai tích cực đề án và kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; phát triển công nghiệp chất lượng cao tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có sự quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hút nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 2Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tuy nhiên, số doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng là chưa nhiều, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn chậm, phụ thuộc rất nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài; trong tổng số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì có đến hơn 80% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Đồng, thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành quyết định danh mục sản phẩm ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp; trong đó, có các sản phẩm công nghiệp của nhóm cơ khí chế tạo, hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Bên cạnh đó, tỉnh còn định hướng hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung, thực hiện liên kết ngành trong các khu công nghiệp hỗ trợ, từng bước tạo ra mạng lưới cung ứng cho các ngành công nghiệp chế tạo trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao năng lực hỗ trợ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh và liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương trong phát triển chuỗi cung ứng.

Đồng thời, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tích cực tham gia các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; khuyến khích mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục