Ngày 28/10, tại Cần Thơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn hợp tác và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã đề xuất những sáng kiến, giải pháp và chính sách trong quy hoạch tổng thể phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý nguồn nước và chuyển dịch năng lượng bền vững.
Các nội dung được tập trung phân tích gồm diễn biến lũ lụt và khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 20 năm gần đây; thách thức về xu hướng chuyển dịch sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu; chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng…
Theo các chuyên gia, việc tìm giải pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long không hề dễ dàng, tiêu tốn nhiều chi phí, đòi hỏi nhiều thời gian.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có những giải pháp giảm thiểu các tác động và từng bước phục hồi các tổn thương cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể làm ngay.
[Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long]
Đơn cử như việc hạn chế khai thác nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm; phát triển rừng ngập mặn; tăng cường liên kết giữa các tiểu vùng và địa phương, giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long bám sát Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, giá trị kinh tế vượt trội với 3 trọng tâm là thủy sản-cây ăn trái-lúa gạo; phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, kết hợp với phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ đã có những định hướng rất tốt cho sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cần có sự dẫn dắt, kết nối các bên có liên quan tạo nên sức mạnh tổng hợp; từ đó phát huy tối đa lợi thế, tránh lãng phí nguồn vốn, tài nguyên và mang về hiệu quả cao nhất.
Dẫn ví dụ về tác hại của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến hiện tượng xâm nhập mặn và nhiễm mặn mùa khô vô cùng khốc liệt.
Nếu như trung bình hàng năm, lượng nước mặn từ bốn phần nghìn (4‰) ở các cửa sông xâm nhập vào nội đồng chỉ khoảng 50km, năm 2020 đã lên tới trên 100km, khiến cho nhiều địa phương bị thiệt hại về hoa màu nặng nề, có nơi như tỉnh Bến Tre thiệt hại trên 90% diện tích lúa.
Do đó, nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách chính là khuyến cáo sớm cho bà con về thời gian gieo sạ và thu hoạch phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; có các biện pháp trữ nước cuối mùa lũ kết hợp xây dựng các trạm xử lý nước mặn thành nước ngọt để đảm bảo nguồn cung nước ngọt sinh hoạt.
Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần có các chính sách, chế tài nhằm hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm ồ ạt; định hướng phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước ở hai vùng trũng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Theo Tiến sỹ Cao Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, một trong những giải pháp để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu chính là chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng.
Đó là quá trình chuyển đổi từ phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch sang phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...), với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế một cách công bằng; trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng sạch, tạo thị trường cạnh tranh, minh bạch.
Để làm được điều đó, theo tiến sỹ Hà, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng năng lượng tái tạo một cách hiệu quả, Nhà nước cần ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo như ưu đãi về nguồn vốn đầu tư và thuế, ưu đãi về đất đai, mua lại toàn bộ công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo...
Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Tư vấn bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu cho rằng, để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh việc thích ứng trong nông nghiệp còn cần thích ứng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ.
Các địa phương cần chú trọng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, song hành cùng quá trình xây dựng và sử dụng dịch vụ chung và hạ tầng chung như đô thị thông minh, hệ thống xử lý nước thải, biogas./.