Trước tình trạng lao động vượt biên đi làm thuê, các đơn vị chức năng tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai nhiều văn bản, kế hoạch triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài.
Cấp ủy, chính các cấp tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không vượt biên trái phép; tăng cường quản lý lực lượng lao động tại địa bàn từng xã.
Cùng với đó, các ngành chức năng vận động gia đình có con em đang đi nước ngoài bất hợp pháp về nước; ngăn chặn kịp thời những biểu hiện mới phát sinh ngay tại từng địa phương, từng khu dân cư.
Đại tá Lý Văn Thiết, Trưởng phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về xuất nhập cảnh, cư trú, lao động trái phép 247 buổi, với 16.500 lượt người tham gia.
Lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, mật phục 756 cuộc, với 2.148 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia, qua đó phát hiện, ngăn chặn 1.566 người có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê.
Lực lượng chức năng cũng bắt, khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng đưa đón người xuất cảnh, di cư trái phép ra nước ngoài cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động tự do sang Trung Quốc theo con đường bất hợp pháp.
Ngày 10/2/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ký thỏa thuận triển khai hợp tác quản lý lao động qua biên giới với thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 24/1/2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, Cục Nguồn nhân lực và An sinh xã hội, thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc đã ký Biên bản hội đàm về thực hiện hợp tác quản lý lao động qua biên giới tại thành phố Sùng Tả, Quảng Tây.
Triển khai các thỏa thuận đã ký kết về công tác quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Cao Bằng và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc), huyện Phục Hòa (Cao Bằng) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng, cơ quan chức năng tổ chức trao đổi, thống nhất, tư vấn, tuyển dụng 23 lao động đưa sang làm việc tại nhà máy gỗ của một công ty ở Trung Quốc.
[Tình trạng vượt biên đi lao động 'chui' và hệ lụy nhiều mặt]
Thượng tá Lý Ngọc Danh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho biết công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng xuất cảnh lao động trái phép còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, địa bàn quản lý có nhiều đường mòn qua lại biên giới, địa hình rừng núi hiểm trở. Đa số người dân ở khu vực biên giới đều sống bằng nghề nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền người dân không xuất cảnh trái phép chưa được thường xuyên, chưa sát với tình hình thực tế. Lực lượng Bộ đội Biên phòng mỏng, cùng một lúc phải thực hiện nhiều công tác khác, do đó chưa kiểm soát hết tình trạng này.
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phục Hòa Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng giao cho địa phương thực hiện thí điểm tư vấn, tuyển dụng lao động sang làm việc hợp pháp tại Trung Quốc.
Thực hiện nhiệm vụ này, huyện đã tư vấn, tuyển dụng được 23 lao động sang nước bạn làm việc. Tuy nhiên, chỉ sau gần 10 ngày, toàn bộ số lao động này đều xin trở về Việt Nam.
Nguyên nhân được xác định là do người lao động không có tay nghề, chưa có ý thức lao động trong môi trường sản xuất công nghiệp, chưa chấp hành tốt nội quy, quy chế làm việc của công ty, doanh nghiệp nơi làm việc.
Bên cạnh đó, đây là lần đầu Cao Bằng thực hiện việc hợp tác quản lý lao động qua biên giới nên còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm, chưa động bộ. Các cơ quan, đơn vị liên quan chưa vào cuộc mạnh mẽ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ nên kết quả triển khai không đạt.
Thực tế, những giải pháp như tuyên truyền, ký kết hợp tác lao động qua biên giới chỉ là biện pháp mang tính chất tình thế. Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng cần có giải pháp hữu hiệu hơn, trong đó chú trọng tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.
Ông Đàm Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh cho rằng đời sống khó khăn, không có việc làm là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Vì vậy, vấn đề hiện nay là phải làm sao quan tâm phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, nhất là khu vực biên giới, chú trọng tạo việc làm cho đồng bào, nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho nhân dân./.