Giải pháp nào để Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư ngành bán dẫn?

Để thu hút nhiều hơn các “đại bàng” thế giới trong ngành điện tử bán dẫn đòi hỏi Việt Nam phải khắc phục các hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics; nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất chíp bán dẫn của Công ty TNHH Hana Micro Vina. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất chíp bán dẫn của Công ty TNHH Hana Micro Vina. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu. Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn thế giới.

Ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn đầu tư vào Việt Nam nhờ lợi thế về vị thế logistics và cơ chế chính sách hợp lý.

Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn các “đại bàng” thế giới trong ngành điện tử bán dẫn đòi hỏi Việt Nam phải khắc phục các hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistics; nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhiều tiềm năng trong ngành công nghiệp bán dẫn

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với lợi thế chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện… Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn. Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn; Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Đặc biệt, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/NQ15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, giao Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Quy hoạch điện 8 và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ngành bán dẫn, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án bán dẫn.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,…

TTXVN_1904bandan.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo và công nghệ toàn cầu tại Tọa đàm ở Davos, Thụy Sĩ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ôtô, chip bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này.

Tại sự kiện, đại diện các tập đoàn lớn của thế giới như Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson… đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, AI, hạ tầng chiến lược…

Chia sẻ tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam thu hút và ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn sẽ mang lại cơ hội cho không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp FDI. Bởi khi càng nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam, việc liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp càng dễ dàng hơn.

Hạn chế cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, nhóm chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia. Tuy nhiên, việc Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn vẫn còn một số hạn chế đáng kể.

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện và xây dựng mới các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay, nhưng cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam vẫn còn thiếu sự kết nối và đồng bộ. Các tuyến đường bộ chật hẹp, quá tải, đặc biệt là ở các đô thị lớn và các tuyến kết nối trọng yếu giữa các vùng miền, gây cản trở lưu thông và tăng chi phí vận chuyển.

Thứ hai, công nghệ và quản lý logistics còn lạc hậu. So với các quốc gia phát triển, công nghệ và hệ thống quản lý trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặc dù Việt Nam có lợi thế về địa lý với đường bờ biển dài, nhưng một số cảng biển chưa đáp ứng được nhu cầu về quy mô và chất lượng dịch vụ. Khả năng tiếp cận cảng và thời gian thông quan hàng hóa còn kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian và chi phí vận chuyển.

2402logistic1.jpg
Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thứ ba, năng lực R&D hạn chế. Xét theo chỉ số đổi mới sáng tạo (GII, 2023) Việt Nam chỉ đứng thứ 46/132 quốc gia, trong đó chỉ số về nguồn nhân lực và nghiên cứu chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia; chỉ số đầu ra về sản phẩm tri thức và công nghệ chỉ đứng thứ 48/132 quốc gia.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Như vậy, có thể thấy, một trong những thách thức lớn nhất là khả năng R&D của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Thứ tư, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực R&D. Sự thiếu hụt nhân tài có kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là một rào cản đối với sự phát triển của công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40%-50%, trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Dọn ổ, đón “đại bàng” ngành bán dẫn

Tại Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024” diễn ra ngày 26/3 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

“Vì vậy, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới. Vì vậy, Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này,” Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Hiện nay, Việt Nam đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, trên 430 tỷ USD; đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về quy mô thương mại, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

TTXVN_2603vimachbandan.jpg
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) và Cadence Design Systems (CDNS, Hoa Kỳ) tổ chức ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển đội ngũ nhân lực thiết kế trong lĩnh vực điện tử và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. (Ảnh: Tiến Lực/ TTXVN)

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển…; trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh cũng là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Để thu hút dòng vốn FDI trong ngành bán dẫn, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Chính phủ đã giao các bộ, ngành; trong đó, có Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.

Cụ thể, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

Cùng với đó, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.

Trong số đó có 8 lĩnh vực phát triển trọng tâm của NIC, gồm Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và y tế; trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đã ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, để tiếp tục tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025 có 2 đến 5 khu công nghiệp mới được thành lập, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục