Giải pháp nào cho vấn đề ngập nước do triều cường ở TP.HCM?

Thời gian qua, triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng diễn biến phức tạp với mực nước ngày càng cao, gây ngập nhiều khu vực trũng thấp, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Giải pháp nào cho vấn đề ngập nước do triều cường ở TP.HCM? ảnh 1Xe ba gác làm dịch vụ vận chuyển xe máy qua đoạn ngập nước tại huyện Nhà Bè. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Thời gian qua, triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng diễn biến phức tạp với mực nước ngày càng cao, gây ngập nhiều khu vực trũng thấp, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Thực trạng này đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết hiệu quả vấn đề ngập nước do triều cường.

Nếu những năm trước, triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh thường ở mức thấp, mực nước triều chỉ dâng cao vào những tháng cuối năm thì hiện triều cường xuất hiện quanh năm, thường xuyên vượt mức báo động 3, có khi lên trên 1,7m, gây ngập rất nhiều khu vực.

Ngoài một số địa bàn trũng thấp thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường như khu vực Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Lương Định Của, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương... hiện nay triều cường dâng cao có thể gây ngập nhiều tuyến đường thuộc Quận 1 vốn là khu vực ở vị trí cao, được trang bị đầy đủ hệ thống thoát nước.


[Thành phố Hồ Chí Minh: Triều cường lên cao, đường phố thành ''sông'']

Lý giải về diễn biến bất thường của triều cường, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết triều cường diễn biến ngày càng bất thường là do nhiều nguyên nhân, trong đó có biến đổi khí hậu.

Hậu quả của biến đổi khí hậu là tạo nên nước biển dâng; nước biển dâng sẽ tạo nên triều cường, có những điểm rất biến động, năm sau cao hơn năm trước. Do quá trình đô thị hóa nhanh làm cho triều cường vốn được gọi là "triều lành" trở thành "triều dữ" với nhiều bất thường, có nơi dâng cao, có nơi tạo thành những xoáy nước gây ngập nghiêm trọng.

Nhằm giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm điều hành Chương trình Chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của dự án là giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn thành phố với diện tích khoảng 570km2 và hỗ trợ thoát nước cho hệ thống thoát nước hiện hữu khi mưa lớn kết hợp triều cường cao.

Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng sáu cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và xây dựng 68 cống nhỏ dưới đê bao, 78 đê bao sung yếu khu vực sông Sài Gòn.

Giải pháp nào cho vấn đề ngập nước do triều cường ở TP.HCM? ảnh 2Tuyến đường Lê Văn Lương đoạn xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè ngập sâu trong nước khiến giao thông qua lại ngặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Đánh giá về những công trình chống ngập do triều cường đang được thực hiện, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá nhận định việc thi công những công trình lớn chống ngập do triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa mang lại hiệu quả thực tế. Việc đắp đê ngăn triều chỉ mang tính chất cục bộ vì hệ thống kênh rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh chằng chịt, nếu xây đê, cống đập chặn chỗ này thì nước triều sẽ tràn vào chỗ khác. Vì vậy, cần có các giải pháp và công trình đồng bộ mới giải quyết được vấn đề ngập do triều cường.

Ông Lê Huy Bá đã nghiên cứu và đến Hà Lan tìm hiểu, làm việc với các chuyên gia Hà Lan về vấn đề chống ngập tại đất nước này. Theo ông Lê Huy Bá, Hà Lan là đất nước có địa thế thấp hơn mực nước biển từ 0,5-1 m, nước triều bình thường vẫn có thể gây ngập. Để chống ngập, Hà Lan xây dựng một đê bao vững chắc, bên trong phân ra khu trũng nhất rồi đến khu trũng vừa và khu trên cao, ở từng khu đặt máy bơm vận hành tự động, khi nước ngập máy bơm sẽ vận hành bơm nước từ các khu trũng thấp lên khu cao hơn rồi bơm ra ngoài.

Bên cạnh đó, ở đê bao có hai cánh cổng lớn, khi nước triều dâng lên thì hai cánh cổng này tự động đóng khít lại với nhau không cho nước triều vào, khi triều rút thì cổng tự mở ra để thoát nước từ bên trong ra ngoài. Tuy nhiên, để làm được hệ thống ngăn triều như Hà Lan lại cần có nguồn vốn lớn, đầu tư đồng bộ, trình độ khoa học kỹ thuật cao và vận hành hoàn toàn tự động.

Ông Lê Huy Bá cho rằng để học tập kinh nghiệm chống ngập của Hà Lan, vận dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh, cần xây dựng những đô thị vệ tinh ở vùng cao phía Tây Bắc, Đông Bắc đi về hướng huyện Củ Chi, Hóc Môn và những khu vực giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, vì đây là những khu vực cao ráo, ít bị ngập. Cơ quan chức năng cần hạn chế tối đa quá trình đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Tây, Tây Nam của thành phố, tích cực quy hoạch, xây dựng những hồ điều tiết nước tự nhiên tại chỗ và ở khu vực gần nội đô để chứa nước khi nước triều dâng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục