Những ngày này, đi dọc trên sông Cái Bé vào vàm Bà Lịch, đoạn chảy qua địa bàn các xã Vĩnh Hòa Hiệp, Vĩnh Hòa Phú, Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, tàu cá đánh bắt xa bờ neo đậu khá nhiều hai bên bờ sông.
Nhiều chủ phương tiện cho biết có rất nhiều tàu nằm bến từ đầu năm 2019 và gần như không còn khả năng ra khơi khai thác, đánh bắt do thua lỗ.
Giải pháp nào cho tàu cá nằm bờ ở Kiên Giang trở lại biển đang là bài toán khó.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có trên 9.800 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó, tàu cá 15m trở lên tham gia đánh bắt hải sản xa bờ chiếm hơn 40% tổng đoàn tàu cá, sản lượng khai thác bình quân hàng năm trên dưới 500.000 tấn.
Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết theo khảo sát sơ bộ ban đầu, có khoảng 600 tàu từ 15m trở lên neo đậu tại bến nhiều tháng nay, không ra khơi hoạt động. Trước tình trạng có nhiều tàu cá nằm bờ, dự kiến năm 2019 này, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản của tỉnh Kiên Giang khoảng 490.000 tấn, đạt 83% kế hoạch và giảm 17% so với năm 2018. Lĩnh vực ngành nghề này đang gặp nhiều khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục gặp bất lợi hơn trong thời gian tới.
Dù đang vào vụ cá Nam - vụ khai thác hải sản chính trong năm, nhưng dọc bờ sông Cái Bé, Cái Lớn và khu Cảng cá Tắc Cậu - cảng cá lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, tàu cá neo đậu rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Lợi, thương lái phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá cho biết năm nay, lượng hải sản các thương lái thu mua được chỉ còn khoảng 50% so cùng kỳ năm ngoái. Các loại hải sản đánh bắt bán không có giá cao vì là cá nhỏ, cá dạt. Các loại có giá cao như tôm, mực, cá thu… rất ít.
Theo nhiều chủ tàu, lý do họ không ra khơi là vì có đi cũng cầm chắc lỗ. Nhiều ngư dân có tiếng trong nghề cũng không trụ nổi, phải bán tàu, chuyển nghề.
Ông Nguyễn Văn Diều, ngụ ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Gia đình có 9 cặp tàu, công suất từ 500-1.000 CV, đánh bắt hải sản xa bờ nhiều năm, nhưng chưa bao giờ lo ngại mỗi khi ra khơi như hiện nay. Mỗi chuyến ra khơi trước đây chỉ lãi nhiều hay ít. Còn từ đầu năm 2019 đến nay, trong tổng số 9 cặp tàu, gia đình phải cho nằm bờ tới 6 cặp, số còn lại bám biển cầm chừng."
Theo ông Diều, nguyên nhân chính vẫn là nguồn cá suy giảm trong khi giá nhiên liệu tăng, giá cá mực đánh bắt lại giảm. Bên cạnh đó, việc thuê người đi biển cũng khó khăn, có khi mới ra cửa sông, cửa biển là thuyền viên trốn về, kéo theo cả đoàn tàu không thể ra khơi đánh bắt được.
Theo ông Diều, mỗi chuyến ra khơi trong một tháng cho một cặp tàu, tổng chi phí nhu yếu phẩm, nhiên liệu, tiền lương cho 25 ngư phủ khoảng 2 tỷ đồng. Nếu như suôn sẻ, tàu thu về khoảng 50 tấn cá, trong đó, cá sô (nhiều loại) khoảng 30 tấn, còn lại 20 tấn cá phân (cá nhỏ chế biến dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, người nuôi cá…) và 2 tấn mực khô. Nếu bán được giá, mỗi tàu thu về trên 2 tỷ đồng, chủ tàu sẽ có lãi.
Ngược lại, nếu gặp trục trặc như máy hư hỏng hay có tới 4 ngư phủ bỏ về thì coi như chuyến biển hoàn toàn thất bại.
[Kiên Giang phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị ven biển]
“Cùng chung số phận” là ông Lê Thanh Dũng, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, chủ của 6 cặp tàu đánh bắt xa bờ.
Nhắc đến chuyện làm ăn trên biển, ông nắm tay chúng tôi, kéo ra ngoài sông Cái Bé gần vàm Bà Lịch, chỉ 3 cặp tàu có công suất lớn từ 500-1.000 CV đang neo đậu và cho biết, từ sau khi tàu cặp bến vào trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến nay, chỉ có 3 cặp đi đánh bắt, còn 3 cặp phải “neo” lại vì không có khả năng cho ra khơi.
Theo lý giải của ông Dũng, ngoài khó khăn chung hiện nay, việc tàu cá công suất lớn tăng ồ ạt, đánh bắt quanh năm, không theo mùa vụ dẫn đến nguồn lợi thủy sản trong nước bị tận diệt.
Ngoài ra, nếu vay ngân hàng đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá, chủ tàu còn phải trả lãi hàng tháng và những khoản chi phí khác. Đánh bắt không có cá, tôm… thì nợ chồng lên nợ. Mấy tháng nay, 3 cặp tàu cá của ông Dũng neo tại bến vì thua lỗ, chưa trả được nợ và chưa biết khi nào ra biển.
Tàu cá nằm bờ còn kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài việc chủ tàu phải trả lương thuê người trông nom thì tàu không hoạt động sẽ bị ẩm, mục; ngư lưới cụ và trang thiết bị cũng hư hỏng theo.
Ông Nguyễn Thái Danh, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành có một cặp tàu lưới cào đang nằm bến, cho hay để ra khơi một cặp tàu lưới cào, vốn lưu động cho một chuyến biển khá cao. Vì vậy, từ nghề làm lưới, ông chuyển sang đánh bắt cá cơm ở vùng biển Kiên Giang để cung cấp nguyên liệu sản xuất nước mắm. Thế nhưng, đi làm chuyến lỗ, chuyến hòa vốn, nên ông định bán tàu nhưng cũng không có người mua.
Tàu thì nhiều nhưng hàng chục cơ sở bán đá cây, xăng dầu, cửa hàng tạp hóa ở khu vực Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành lại đìu hiu. Các hoạt động hậu cần nghề cá cũng tê liệt khi tàu cá không đi đánh bắt. Một số cơ sở đã sang bán, đóng cửa hoặc chuyển sang nghề khác.
Ông Nguyễn Văn Lộc Anh, chủ nhà máy sản xuất nước đá cây tại Cảng cá Tắc Cậu, cho biết hãng nước đá của ông có công suất 5.000 cây mỗi ngày, giờ phải hạ công suất còn 40%, nếu càng chạy càng thua lỗ. Công nhân từ hàng chục người nay còn vài người, làm việc cầm chừng...
Theo nhiều chủ tàu, ngoài những nguyên nhân trên, một nguyên nhân nữa là phía ngân hàng. Trước đây, khi làm ăn hiệu quả đến ngày vay đáo hạn, ngân hàng sẵn sàng cho thế chấp tàu vay lại.
Còn hiện nay, ra khơi khó khăn, đến ngày đáo hạn ngân hàng yêu cầu thế chấp nhà hay đất hoặc tài sản có giá trị khác, không nhận thế chấp tàu cá. Vì vậy, nhiều chủ tàu phải đi vay mượn, có khi "vay nóng” với lãi suất cao để trả ngân hàng và mong được vay lại như trước đây.
Theo nhiều ngư dân ở Kiên Giang, giải pháp giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn, vươn khơi bám biển, yên tâm khai thác đánh bắt hiệu quả và bền vững là Trung ương và các địa phương có biển phải khẩn trương vào cuộc khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt nghiêm trọng trên ngư trường. Cụ thể là thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm đánh bắt ven bờ, xử lý mạnh tay với các hành vi khai thác đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt để sớm khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên ngư trường.
Bên cạnh đó, cần phải mở rộng ngư trường đánh bắt cho ngư dân, trong đó, quan trọng là sớm hợp tác quốc tế để đưa tàu cá Việt Nam ra nước ngoài khai thác. Phía ngân hàng tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với ngư dân.
Song song đó, có sự điều chỉnh giá cả hợp lý, không để ngư dân phải chịu điệp khúc như hiện nay “dầu tăng, cá giảm."
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân tàu cá nằm bờ do lao động trên đội tàu khai thác đang bị thiếu hụt, chi phí một chuyến biển khai thác xa bờ khá lớn và nhiều chủ tàu thiếu vốn, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường trong tình trạng suy kiệt. Vì vậy, để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, cần có sự tham gia của các ban ngành; trong đó phải đảm bảo về lực lượng lao động trên tàu đầy đủ. Chính phủ cần có những chính sách khoanh nợ trong thời gian tàu nằm bờ hay tàu khai thác không hiệu quả, không tính lãi suất ngân hàng để bà con vươn khơi bám biển.
Hiện nay tỉnh Kiên Giang đang triển khai sắp xếp lại nghề cá theo dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang” gắn với khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên ngư trường.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai một số giải pháp trước mắt, hỗ trợ ngư dân đưa tàu đang nằm bến trở lại hoạt động nhằm giúp ngành kinh tế biển phát triển bền vững trong thời gian tới./.