Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, ngày 20/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017” với chủ đề Nghiên cứu phát triển sản phẩm xuất khẩu, giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế trao đổi thông tin, đánh giá cơ hội thị trường cho xuất khẩu, phát triển thị trường, nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đề xuất chính sách xúc tiến xuất khẩu, các giải pháp nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy, bền vững.
Nội dung chính của Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận về các biện pháp xúc tiến xuất khẩu, phát triển sản xuất, phát triển thị trường, nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, năm 2016, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, thể hiện trên cả hai phương diện quy mô và tốc độ tăng so với năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đây là một kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực.
Là ngành có đóng góp lớn cho xuất khẩu cả nước, cũng như có sự chuyển biến khá rõ về nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong hoạt động xuất khẩu, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng ngành dệt may đã phát triển đúng định hướng là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Năm 2016, quy mô ngành dệt may xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 28,3 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên gần 50%.
Tỷ lệ nội địa hóa này đã được cải thiện, nếu so với hơn chục năm về trước. Cách đây 10-15 năm, khi quy mô xuất khẩu của ngành chỉ khoảng 5-10 tỷ USD, thậm chí lúc đó không có nguồn nguyên phụ liệu trong nước nào tham gia được vào chuỗi vì quy mô quá nhỏ, không đủ cho các doanh nghiệp đứng ra đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.
Cho đến nay, khi quy mô xuất khẩu vượt 30 tỷ USD, đã có tới 50% tỷ lệ nội địa trong sản phẩm dệt may Việt Nam.
[Tăng trưởng xanh: Liệu doanh nghiệp có vượt qua mục tiêu lợi nhuận?]
Nói về vấn đề nâng cao giá trị gia tăng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết hoạt động xúc tiến thương mại cũng như xúc tiến xuất khẩu có chức năng xúc tiến bán hàng, gắn kết được cung với cầu hàng hóa, gắn kết sản xuất với thị trường tiệu thụ. Sản xuất nông nghiệp đã có thể tạo ra lượng hàng hóa lớn nhưng tiêu thụ và xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn.
Thực trạng đó đòi hỏi xúc tiến thương mại phải vào cuộc tham gia cho hàng hóa nông sản, từ thị trường trong nước đến thị trường xuất khẩu. Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, xúc tiến thương mại là chủ động tìm kiếm thị trường, định hướng cho sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, xúc tiến bán hàng, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đó là những nhiệm vụ nông dân còn yếu kém nhưng lại là thế mạnh của các tổ chức xúc tiến thương mại.
Nông sản Việt Nam còn hạn chế về chất lượng, chế biến, bảo quản thì những hạn chế về thương mại, marketing, nắm bắt thị trường, thị hiếu, về tổ chức, về nghiệp vụ bán hàng còn rất lớn. Do vậy, Cục Xúc tiến thương mại cần có chủ chương cụ thể đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản góp phần tích cực vào chủ chương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện nay của Chính phủ./.