Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) nhấn mạnh, việc thành lập các khu bảo tồn hoặc khoanh vi khu vực đất ngập nước là những giải pháp vô cùng hiệu quả trong bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng.
Nhiều khu bảo tồn đất ngập nước của Việt Nam đã được thành lập và tạo điểm nhấn quan trọng. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) được ví như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ.
Nơi đây được xem như một bồn trũng với hình thái địa mạo đa dạng và là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước.
Năm 2019, khu Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) đã đạt 2 kỷ lục về thiên nhiên là “Khu Bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào.”
Không chỉ có ý nghĩa cho bảo tồn, nghiên cứu khoa học, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho các cộng đồng dân cư xung quanh, bao gồm cả nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, điều tiết nước, đặc biệt là vẻ đẹp danh lam thắng cảnh để giải trí, du lịch sinh thái.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) thực hiện dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (2015 - 2020) do Quỹ môi trường toàn cầu thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ, nhằm thiết lập các khu bảo tồn mới, tạo dựng năng lực cho việc quản lý hiệu quả các khu bảo tồn, giảm thiểu những mối đe dọa hiện tại và nguy cơ đang hình thành từ các khu sinh cảnh liên kết.
[Những hoạt động làm suy thoái các vùng đất ngập nước ở Việt Nam]
Năm 2020, hai khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập là Thái Thụy (Thái Bình) và Phá Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) nhằm bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, phục hồi sinh cảnh và các hệ sinh thái, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái ở vùng đất ngập nước ven biển, giảm thiểu tác động làm suy giảm môi trường sống, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Các khu bảo tồn này sẽ trở thành phòng thí nghiệm thiên nhiên về đất ngập nước ven biển cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên nghiên cứu, đặc biệt là quan trắc, bảo tồn các loài chim di trú đông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường và thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai có diện tích 2.071,5ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu, phân vùng Cồn Tè-Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong số đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 799,1ha; phân khu phục hồi sinh thái là 1.242,9ha. Vùng đệm gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá là 17.945ha. Vùng sinh cảnh liên kết có diện tích 69.684ha.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ nỗ lực phục hồi và phát triển phân vùng Ô Lâu thành sân chim tiêu biểu của khu vực và toàn quốc bằng đề án Phục hồi sinh cảnh Tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu, dự kiến ban hành cuối năm 2020.
Khu đất ngập nước Thái Thụy với tổng diện tích 6.560ha, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.500ha, phân khu phục hồi sinh thái 4.800ha, cung cấp nguồn sống cho khoảng 50.000 dân sống tại 8 xã ven biển.
Đây là một trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam và là một trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế của Việt Nam.
Theo Tổng cục Môi trường, Khu bảo tồn Thái Thụy là đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng, được hình thành giữa động lực sông và biển, có các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những cồn cát chắn.
Khu vực này ghi nhận hơn 1.000 loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ, là nơi tập trung các loài chim di cư 3-4 tháng mỗi năm với số lượng hàng vạn con, trong đó một số loài bị đe dọa trên toàn cầu như cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa, quắm đầu đen…
Ngoài ra, Việt Nam còn có các mô hình cộng đồng quản lý trực tiếp các khu đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao như các vườn chim ở Bạc Liêu (Vườn Chim Sỹ Sáu), Cà Mau, Kiên Giang và các khu vực ở phía Bắc. Nhiều địa phương hoặc hộ gia đình đã chủ động khoanh vi, bảo vệ các khu đất ngập nước hoặc đề nghị thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như khu bảo tồn ở Phú Mỹ (Kiên Giang), Đông Xuyên (Bắc Ninh).
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hiện có nhiều dự án trực tiếp hoặc gián tiếp đến bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước nhằm tăng cường hiệu quả quản lý đất ngập nước và thực thi Công ước Ramsar.
Một trong những hiệu quả nổi bật của các dự án là xác định được các vùng đất ngập nước quan trọng cần khoanh vi, bảo tồn; hỗ trợ kiện toàn hành lang pháp lý nhằm tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước, thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước; kiểm kê các vùng đất ngập nước để đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua bộ đã có nhiều hoạt động để đẩy mạnh bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2020 - 2030 với mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các khu Ramsar.
Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu suy thoái; thành lập được 5 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công 3 khu Ramsar; triển khai các mô hình công-tư, mô hình kết hợp sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý, sử dụng khôn khéo tài nguyên và dịch vụ hệ sinh thái các vùng đất ngập nước quan trọng.
Mạng lưới các khu Ramsar sẽ được mở rộng và vận hành hoạt động có hiệu quả; nâng cao nhận thức, sự tham gia, ủng hộ của xã hội về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo; phục hồi 25% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng; thành lập tối thiểu 10 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công ít nhất 5 khu Ramsar trên toàn quốc./.