Giải pháp giảm phát thải cho phương tiện giao thông

Điện hóa phương tiện giao thông là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải, cụ thể giảm 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào 2030.

VF Wild-mẫu bán tải điện ý tưởng từng thu hút sự chú ý của cả thế giới khi ra mắt tại CES 2024. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)
VF Wild-mẫu bán tải điện ý tưởng từng thu hút sự chú ý của cả thế giới khi ra mắt tại CES 2024. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Ngày 24/10, tại Hội thảo “Giảm phát thải từ phương tiện giao thông và chuyển đổi năng lượng xanh hướng tới bảo vệ môi trường” do Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và một số đơn vị tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đầu ngành, nhà sản xuất ngành xe điện đã đưa ra đa dạng giải pháp năng lượng xanh, sạch và thân thiện môi trường trong phát triển sản phẩm, phương tiện giao thông thích nghi với biến đổi khí hậu.

Yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh

Theo các chuyên gia, phát thải từ phương tiện giao thông đang là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, đồng thời sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây tổn hại đến nền kinh tế…

Do đó, chuyển đổi năng lượng xanh là xu hướng không thể nào đảo ngược, đồng thời chuyển đổi sang những phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch thân thiện môi trường không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam.

Mặt khác, nếu Việt Nam tăng cường giải pháp phát triển dòng xe điện hóa sẽ vừa thúc đẩy sử dụng đúng nhiên liệu mức 5 (tiêu chuẩn giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải ôtô tương ứng với mức Euro 5, gồm RON 95-V và dầu diesel là DO 0,001S-V) trong giảm phát thải và bảo vệ môi trường, vừa tạo động lực bứt phá trong lĩnh vực công nghệ sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất ôtô.

Điều này, cũng góp phần hiện thực hóa cam kết lâu dài của Việt Nam đối với mục tiêu Net Zero vào năm 2050, phù hợp với chiến lược quốc gia và xu hướng toàn cầu về giảm thiểu phát thải carbon.

Tham luận của ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng chỉ ra rằng, với nhà sản xuất ôtô cần tiếp tục khuyến cáo lợi ích, bất cập trong sử dụng không đúng mức 5 cho động cơ và người sử dụng.

Còn với doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu mức 5 nên tiếp tục đánh giá nhu cầu mở rộng, hợp lý hóa mạng lưới cung cấp qua mạng lưới của hàng xăng dầu đảm bảo tiêu chí như thuận tiện người mua, nhưng hiệu quả cho cả người mua/bán để tăng sức hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường bán lẻ ăng dầu Mức 5, cũng như tăng số lượng cửa hàng xăng dầu phục vụ mức 5.

Hiện nay là giai đoạn đầu áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 ra thị trường Việt Nam, nên nhu cầu còn thấp và chưa thể đáp ứng thuận tiện nhất, giá cả tốt nhất, nên vấn đề đặt ra là làm sao để người dùng cần kiên định sử dụng mức 5 và khi nhu cầu tốt sẽ được phục vụ tốt hơn.

Do đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước sớm có những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mức 5, đồng thời có chế tài kiểm soát duy trì khí thải khi đăng kiểm… để đảm bảo mục đích và tiến tới giảm thiểu, xóa bỏ hoàn toàn nhiên liệu cấp thấp hơn theo đúng lộ trình.

Còn ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Phòng đăng ký sản phẩm ISUZU Việt Nam chia sẻ, xu hướng xanh hóa đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu và Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều cam kết mạnh mẽ và đang triển khai nhiều chính sách quan trọng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với ngành ôtô, nhiên liệu Euro 5 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thống kê đến tháng 3/2024, cả nước chỉ có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu nhưng chỉ có 1.345 cửa hàng cung cấp nhiên liệu Euro 5 (chiếm 7%), tập trung ở các thành phố lớn và các tuyến đường chính.

Để có thể sử dụng đúng nhiên liệu Euro 5, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng, từ các nhà sản xuất ô tô, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp xăng dầu… cho đến người sử dụng đầu cuối.

Phát triển dòng xe năng lượng sạch

Trong những năm gần đây, thị trường ôtô Việt Nam đã dần đi vào ổn định với nguồn xe từ nhập khẩu và sản xuất trong nước, cũng như nhiều mẫu xe mới ra mắt, giá xe giảm nhanh. Ngoài ra, khi nhiều nhà máy chính thức hoạt động và xuất xưởng nhiều mẫu xe mới đã đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Hiện tại Việt Nam có khoảng trên 5 triệu xe ôtô; trong đó xe ôtô con chiếm 67% tương đương với tỷ lệ 50 xe/1.000 người dân, nhưng đây vẫn là một chỉ số rất nhỏ.

Đối với thị trường khoảng 100 triệu dân thì vẫn còn rất nhiều dư địa cho ngành công nghiệp ôtô phát triển, nhất là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và không ngừng tăng lên, kéo theo nhu cầu sở hữu ôtô, xe máy sẽ ngày càng lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang bước vào thời kỳ ôtô hóa đòi hỏi nhiều hơn những yếu tố thúc đẩy quá trình điện hóa xe ôtô ở Việt Nam thể hiện qua hàng loạt cơ chế chính sách đã được ban hành như Quyết định 876/QĐ-TTg hướng tới giao thông xanh; Quy định về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu có thể áp dụng từ năm 2027.

Đặc biệt, chính sách ưu đãi hiện đang tập trung nhiều cho xe thuần điện (BEV), với mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho BEV ở mức 3% (giai đoạn năm 2022-2027), sau năm 2027 là 11%, cùng với ưu đãi về lệ phí trước bạ.

Với bối cảnh này, khó khăn trong ngắn hạn của chuyển đổi ồ ạt sang xe thuần điện có thể kể đến là cần thêm thời gian và nguồn lực phát triển hạ tầng trạm sạc điện; thời gian thay đổi tâm lý và thói quen của người tiêu dùng; nguồn lực để phát triển nguồn điện, gồm các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Việc khuyến khích tiêu dùng các dòng xe BEV là phù hợp với xu thế toàn cầu nhưng trong bối cảnh của Việt Nam, nên bên cạnh BEV, Chính phủ nên cân nhắc giải pháp khuyến khích thay thế dòng xe động cơ đốt trong (ICE) bằng các dòng xe hybrid (PHEV, HEV) là những dòng xe thân thiện hơn với môi trường.

Liên quan đến giải pháp phát triển dòng sản phẩm xanh, sạch và thân thiện môi trường, ông Nguyễn Trung Thắng, Giám đốc Bộ phân Thuế, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thuế và Tư vấn KPMG cho biết, nhiều quốc gia có chính sách ưu đãi cho dòng xe hybrid để tạo ra sự tăng trưởng tiêu dùng của dòng xe này, hay xu hướng chung trong việc chấp nhận giảm thu ngân sách để đạt mục tiêu môi trường.

Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ chính sách khuyến khích phát triển điện hóa của một số nước trên thế giới như tại Thái Lan thì thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi thấp hơn từ 17-27% cho xe hybrid so với xe ICE; Indonesia ưu đãi thấp hơn từ 8-40%…

Cùng quan điểm, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ôtô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, kịch bản điện khí hóa phương tiện giao thông của Việt Nam là ôtô điện sẽ đạt 5% doanh số bán hàng vào năm 2025 và 33% vào năm 2030; xe buýt điện sẽ đạt 10% doanh số trong giai đoạn 2020-2030.

Điện hóa phương tiện giao thông là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải, cụ thể giảm 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu của ngành, Chính phủ và bộ ngành sớm ban hành các chính sách phát triển ôtô điện hóa đồng bộ trên cả 3 phương diện, gồm: phát triển công nghiệp ôtô điện hóa với ưu đãi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất ôtô điện hóa và chuỗi cung ứng ôtô điện hóa toàn cầu; nghiên cứu phát triển công nghệ ôtô điện hóa cần được xem là vấn đề cốt lõi và nền tảng của ngành công nghiệp; phát triển thị trường ô tô điện hóa bằng giải pháp giảm thuế, trợ cấp, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện hóa.

Riêng về kích cầu thị trường phải có ưu đãi thuế phí cho các dòng xe HEV, PHEV, BEV tương đương với mức cắt giảm phát thải; đồng thời khuyến khích đầu tư nhà máy, trạm sạc…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục