Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo: Cần liên kết sản xuất lớn

Liên kết sản xuất lớn sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp cùng được lợi khi nguồn cung ổn định cả về sản lượng và chất lượng, giá bán được điều chỉnh theo quy luật cung-cầu của thị trường.

Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Làm thế nào để sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo" do Báo Người lao động tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/1.

Tập trung nâng chất lượng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022.

Đây là những con số cao kỷ lục kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo (1989) đến nay.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ, ngành lúa gạo ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ với lĩnh vực nông nghiệp mà cả nền kinh tế.

Sản xuất lúa gạo không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, sinh kế cho người dân mà còn thực thi các cam kết, trách nhiệm quốc tế về hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Năm 2023, an ninh lương thực thế giới có nhiều rủi ro khi nguồn cung bị thiếu hụt, nhất là sau lệnh cấm xuất khẩu gạo thường của Ấn Độ.

Có những thời điểm thị trường lúa gạo rất căng thẳng, có dấu hiệu tưởng chừng như Việt Nam sắp cấm xuất khẩu gạo như năm 2008 hay năm 2021.

Tuy nhiên, Chính phủ đã không ra quyết định cấm xuất khẩu gạo mà có nhiều chủ trương đúng đắn để tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, thông tin năm 2023 ngành lúa gạo Long An ghi nhận sự phát triển tốt, diện tích sản xuất và sản lượng đều đạt kế hoạch đề ra.

Riêng xuất khẩu ghi nhận sự tăng tưởng cao; trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng khoảng 55% và giá trị tăng khoảng 63% so với năm 2022. Giá lúa gạo tăng cao giúp người nông dân thu được lợi nhuận tốt, ổn định đời sống.

gao-long-an-5020.jpg
Kho gạo của Công ty TNHH Dương Vũ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa, Long An. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp và lúa gạo là một trong 5 ngành hàng sản xuất chủ lực của địa phương. Hiện nay, Đồng Tháp có 80% diện tích gieo trồng lúa gạo chất lượng cao, phần còn lại là nếp và các giống gạo làm nguyên liệu chế biến.

Tỉnh cũng có gần 200 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành gạo, trong đó có 15 doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 đạt 536.000 tấn, kim ngạch 400 triệu USD, tăng 23% về lượng và 56% về giá trị so với năm trước.

Ngoài sản xuất, xuất khẩu, Đồng Tháp cũng có nhiều đơn vị chế biến sản phẩm từ gạo, giúp nâng giá trị cho hạt gạo.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phân tích, năm 2023, xuất khẩu gạo gặp thuận lợi do nhu cầu lương thực thế giới tăng trong khi nguồn cung bị giới hạn, đặc biệt sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao kỷ lục.

Việt Nam có lợi thế trong sản xuất lúa gạo khi tác động của biến đổi khí hậu đến việc thu hẹp diện tích sản xuất là không đáng kể mà chủ yếu do chúng ta chủ động giảm diện tích để tập trung cho nâng cao chất lượng.

Dù diện tích sản xuất có giảm nhưng nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên sản lượng lúa gạo của Việt Nam năm sau vẫn cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất 43-45 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó, khoảng 20 triệu tấn dành cho tiêu thụ trong nước, phần còn lại dành cho xuất khẩu.

Theo ông Phạm Thái Bình, năm 2023, giá gạo thế giới tăng cao ngoài có nguyên nhân khách quan về cân đối cung cầu lương thực nhưng việc giá gạo Việt Nam nhiều lần vượt qua Thái Lan, cao nhất thế giới không phải sự "ăn may," mà là kết quả tất yếu của việc đầu tư vào nâng cao chất lượng.

Có thể khẳng định đến hiện tại, Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao. Ngay từ trước thời điểm có “sốt giá” năm 2023, các sản phẩm chất lượng cao của Trung An đã xuất khẩu với giá 700-800 USD/tấn, thậm chí lên tới 1.200 USD/ tấn.

Gỡ điểm nghẽn liên kết

Theo các chuyên gia, ngay trong bối cảnh ngành gạo lập kỷ lục cả về lượng và giá trị xuất khẩu, sản xuất tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều yếu tố thiếu bền vững.

Bà Võ Phương Thủy cho biết định hướng của Đồng Tháp là giảm sản lượng gạo xuất khẩu nhưng tăng chất lượng và giá trị. Việc này đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp phải liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn để sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

toa-dam-xuat-khau-gao2-61.jpg
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên giá lúa gạo phân tích những lợi thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp để khuyến khích liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa gạo nhưng đến nay, diện tích lúa có liên kết với doanh nghiệp mới đạt 25%. Chính vì vậy, mặc dù năm 2023 được xem là thành công về phương diện xuất khẩu nhưng nhiều thời điểm giá lúa cao, nông dân có lợi thì doanh nghiệp xuất khẩu lại khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Long An cũng chia sẻ, thời gian qua, một số doanh nghiệp ngành lúa gạo đã chú trọng liên kết sản xuất nhưng diện tích sản xuất lớn tại Long An chưa nhiều, chỉ được khoảng 20.000-30.000ha, tương đương 10% tổng diện tích lúa toàn tỉnh.

Với đặc thù phân chia ruộng manh mún, nông dân sản xuất với diện tích nhỏ rất khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hướng tới sản xuất phát thải thấp hay đạt được tín chỉ carbon tạo thêm thêm thu nhập.

Do đó, cần liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu, đặt hàng cho các hợp tác xã để sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu bền lâu.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Phương Đông cho rằng nhu cầu lúa gạo thế giới tăng trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp, đó là điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo cũng rất khốc liệt, doanh nghiệp đi sai chiến lược là phá sản và ít có cơ hội làm lại.

Minh chứng trong năm 2023 vừa qua, chúng ta mừng cho nông dân vì trúng mùa, được giá, nhưng cũng nhiều nhà máy lỗ vài trăm tỷ đồng, cũng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phá sản.

“Doanh nghiệp không phải không biết lợi ích của việc liên kết sản xuất nhưng vì sao số doanh nghiệp liên kết được chỉ "đếm trên đầu ngón tay."

Câu trả lời chính là bài toán cân đối kinh phí để duy trì bộ máy khi liên kết. Với một doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo mỗi năm thì diện tích liên kết tương đương tới hàng trăm nghìn hécta, đội ngũ lao động đi theo chuỗi cũng rất đông.

Thêm vào đó, vấn đề bao tiêu đòi hỏi doanh nghiệp phải có lượng lớn tiền mặt khi vào mùa vụ. Điều này đòi hỏi phải có chính sách tài chính đặc thù cho doanh nghiệp lúa gạo,” ông Nguyễn Việt Anh chia sẻ.

Ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh liên kết sản xuất lớn chính giải pháp phát triển bền vững nhất không chỉ cho ngành lúa gạo mà cho nhiều ngành sản xuất khác.

Chỉ khi liên kết thì việc tổ chức sản xuất mới gắn liền với nhu cầu thị trường. Nông dân và doanh nghiệp đều được lợi khi nguồn cung ổn định cả về sản lượng và chất lượng, giá bán được điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường.

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030" cho thấy định hướng rõ ràng của Chính phủ đối với ngành lúa gạo; trong đó, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp hướng tới liên kết sản xuất ngành lúa gạo chất lượng cao, không chạy theo sản lượng mà đi vào chất lượng, giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Bình, mấu chốt quyết định việc thành công của đề án phụ thuộc ở cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết, cũng tương tự như mô hình cánh đồng lớn trước đây, nhiều doanh nghiệp muốn nhưng không có đủ nguồn lực để tham gia.

Liên kết sản xuất, đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đầu tư lâu dài và đồng bộ từ tổ chức sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào cho doanh nghiệp đến thu mua, vận chuyển, chế biến, nhu cầu vốn cho các hoạt động này vượt quá khả năng của hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Chính vì vậy, giải được bài toán về cơ chế vốn, tín dụng cho doanh nghiệp chính là khơi thông điểm nghẽn cho vấn đề liên kết trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục