Tình hình sản xuất công nghiệp trong 10 tháng năm 2019 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì ở mức ổn định nhưng các ngành công nghiệp trọng điểm tăng ở mức thấp. Do đó, một số chuyên gia cho rằng cần tăng cường giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy các ngành này.
Ngành trọng điểm duy trì mức tăng thấp
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2019 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn 1,6 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp; trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chỉ tăng 0,8%; ngành hóa dược (0,9%)...
Đặc biệt, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái như chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 26,5%; hoạt động hỗ trợ khai thác giảm 18,9%...
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do một số doanh nghiệp lớn đã và đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang nhiều tỉnh, thành lân cận có lợi thế hơn về lao động, thuê đất và có chính sách ưu đãi khác.
Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh có những ngành công nghiệp trọng điểm vẫn duy trì mức tăng cao như ngành điện tử tăng 21,6%; ngành cơ khí 7,7%... Mức tăng này đến từ các doanh nghiệp điện tử thường xuyên ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, với sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Đối với nhóm ngành công nghiệp cấp II, tính chung 10 tháng năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có 18/30 ngành cấp II đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, một số ngành có mức tăng khá, gồm sản xuất kim loại tăng 52,8%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 39,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 21,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,3%...
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tính chung 10 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện 8,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải 2,2%...
Hiện nay, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với chỉ số tồn kho và tăng cao so với cùng kỳ năng trước. Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Phương Đông chỉ ra rằng chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10/2019 tăng 47,3% so cùng thời điểm năm trước.
Đặc biệt, một số lĩnh vực có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như sản xuất kim loại tăng 337,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác 195,9%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 130,7%; sản xuất hóa chất 96,1%; dệt 79%; sản xuất thiết bị điện 76,7%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 66,2%...
Xuất khẩu chủ yếu ở thị trường lớn
Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính chung 10 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại cửa khẩu trên cả nước ước đạt 34.921,8 triệu USD, tăng 10,8% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 33.089,5 triệu USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2019 đạt 6.751,8 triệu USD, tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2018, chiếm 20,8% tỷ trọng xuất khẩu.
Thị trường lớn thứ hai là Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 5.420,8 triệu USD, tăng 17,7% so cùng kỳ, chiếm 16,7%. Còn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong 10 tháng qua tăng 4,1% so cùng kỳ, châu Âu tăng 4,4%...
Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) trong tháng 10/2019 đạt 3.570,6 triệu USD, giảm 0,9% so với tháng trước.
[Có 97% công ty tại Việt Nam kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trưởng]
Cụ thể, khu vực kinh tế nhà nước đạt 192,1 triệu USD, giảm 14,8% so với tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.411,0 triệu USD, giảm 0,3%; chỉ có khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 967,5 triệu USD, tăng 0,9.
Theo các chuyên gia, diễn biến tình hình xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh cũng tương đồng với hoạt động xuất khẩu của cả nước. Mặc dù lĩnh vực xuất khẩu chưa tăng như kỳ vọng nhưng có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực và có sự đóng góp ngày càng nhiều của doanh nghiệp trong nước.
Đơn cử, theo báo cáo tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam quý 3/2019, xuất khẩu sản phẩm điện tử phục hồi tích cực nhờ Samsung và doanh nghiệp trong nước. Các sản phẩm điện thoại, máy vi tính và máy móc thiết bị chiếm 3 vị trí trong tốp 4 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam năm nay, đồng thời, là mặt hàng xếp thứ 6 với giá trị xuất khẩu 7,52 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng 17, 9% cao nhất trong top 10 mặt hàng xuất khẩu. Riêng xuất khẩu nông sản có dấu hiệu phục hồi trong quý 3/2019 nhưng ngành nông sản nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, có 7 mặt hàng tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước. Điển hình, càphê giảm mạnh, chỉ đạt giá trị 2,15 tỷ USD; hạt điều, gạo và hạt tiêu đều có tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu nhưng giá giảm mạnh, khiến giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm. Nhìn từ chuỗi giá trị, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng đến từ điện tử, linh kiện, điện thoại, dệt may, giày dép, gỗ...
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng doanh nghiệp cần nắm rõ nguyên tắc hoạt động xuất khẩu gắn liền với đối tác. Cụ thể, hiện tại lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam là nhờ vào thị trường Mỹ và những thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); còn EU, Trung Đông giảm; ASEAN không đáng kể.
Riêng với thị trường Trung Quốc, không chỉ tăng trưởng giảm, còn có hơn 50% nông sản phục vụ thị trường này vướng quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu mới cũng như những diễn biến phức tạp nền kinh tế toàn cầu.
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, đối với hoạt động thương mại nói riêng, sản xuất kinh doanh nói chung, doanh nghiệp quan tâm đến cơ chế chính sách. Đặc biệt, khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng thì diễn biến của những nền kinh tế lớn sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế trong nước.
Chính vì vậy, doanh nghiệp nên tăng cường hội nhập, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng nội lực về tài chính, năng lực hội nhập./.