Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 9-10%, trong đó phấn đấu mức tăng trưởng hai con số.
Tại phiên họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X ngày 10/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã nêu ra nguyên nhân và những giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đầy thách thức này.
Nỗ lực tăng trưởng hai con số
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, năm 2024, thành phố đặt chỉ tiêu tăng trưởng rất cao là từ 7,5-8%, thay vì mức từ 6,5-7% như nhiều đại biểu đề xuất cho phù hợp. Kết quả, thành phố đạt được mức tăng trưởng 7,17%.
Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố. Tuy không đạt được chỉ tiêu 7,5-8% nhưng thành phố cũng đã tiệm cận được chỉ tiêu cao này.
“Gần đây, trong đánh giá của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo năm nay tăng trưởng của cả nước có khả năng đạt trên 7% nhờ những động lực tăng trưởng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Chúng ta thấy tự hào về những đóng góp của mình trong kết quả chung đó” - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Về mục tiêu năm 2025, theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu tăng trưởng 9-10%; trong đó Bí thư Thành ủy kỳ vọng tăng trưởng hai con số (tức 10%) là một thách thức rất lớn.
Với quy mô kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh thì mức tăng trưởng này không hề đơn giản. Theo tính toán, 1% tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh tương đương 1,3% của Hà Nội và 4,1% của Hải Phòng, 14,5% của Đà Nẵng và 17,3% của Cần Thơ. Vì thế, nếu thành phố đạt được kết quả này sẽ rất quan trọng cho kết quả chung.
Kinh nghiệm của năm 2024 sẽ tiếp tục được Thành phố phát huy cho năm tới. Cụ thể, sau Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố giữa năm 2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn rà soát lại tất cả mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp tập trung thực hiện trong năm 2024 và 2025 với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu trọng tâm đã đề ra. Sau đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 12 về thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và 2025.
Người đứng đầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tới đây thành phố sẽ sơ kết bốn tháng thực hiện Chỉ thị 12 để tiếp tục xác định các trọng tâm, giải pháp đột phá để năm sau tăng trưởng đạt khoảng 10%.
Để đạt được mức tăng trưởng này, tổng đầu tư toàn xã hội năm 2025 của thành phố phải đạt khoảng 500.000 tỷ đồng; trong đó, đầu tư từ ngân sách khoảng 100.000 tỷ đồng (chiếm 20%), còn lại 400.000 tỷ đồng (khoảng 80%) sẽ huy động đầu tư từ xã hội.
Câu chuyện tháo gỡ, thúc đẩy các dự án đang tồn đọng cũng sẽ đóng góp rất lớn cho mục tiêu này - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ; đồng thời cho biết Chương trình kích cầu đầu tư của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) theo Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ giúp huy động nguồn lực lớn từ xã hội.
Theo ông Mãi, thành phố phải nhanh chóng lựa chọn các dự án để triển khai và ngay trong tháng 12 có ít nhất sáu dự án triển khai Chương trình này của HFIC.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho đầu tư của doanh nghiệp cũng như đầu tư nước ngoài FDI. Các nhóm đầu tư này sẽ góp phần cho mục tiêu huy động 400.000 tỷ đồng nhằm đạt mức tăng trưởng 9-10% từ góc độ đầu tư, còn lại là tiêu dùng, xuất khẩu, các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh…
Cần giải ngân 100.000 tỷ đồng
Liên quan giải ngân vốn đầu công, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết đến nay thành phố đã giải ngân đạt 33% và đang tập trung rất cao để giải ngân đạt trên 80%. Sau khi họp rà soát lại các dự án, có khả năng thành phố đạt được 81% trong năm 2024.
Lý giải về nguyên ngân giải ngân bị chậm và đến cuối năm “mới chạy” được, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố, do gói bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cần bước chuẩn bị đầu tư; trong đó, thời gian chuẩn bị dồn qua sau nửa đầu năm 2024, thậm chí có một số dự án chuẩn bị đầu tư chưa hoàn thành.
Cùng đó, sự thay đổi về pháp luật đầu tư công, đấu thầu và đặc biệt là Luật Đất đai 2024 đã ảnh hưởng rất lớn. Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8 với những chính sách tốt hơn nên thành phố chờ sau đó mới áp dụng, khiến khâu giải phóng mặt bằng chậm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan, đó là khâu quy hoạch. Khi đưa các dự án vào danh sách trung hạn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh quy hoạch dẫn đến mất thời gian.
Điều hành của Ủy ban Nhân dân thành phố, dù tập trung hàng ngày, hàng tuần để đi kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc nhưng có thời điểm vẫn chậm.
Hiện thành phố đã xác định nhóm giải pháp cụ thể; trong đó, chỉ đạo nhóm chủ đầu tư lớn (tập trung 4 Ban quản lý dự án và thành phố Thủ Đức) cùng sở, ngành liên quan, đồng thời phân công trong Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố theo dõi, chỉ đạo các dự án có vốn giải ngân lớn, để đảm bảo cuối năm giải ngân trên 80%.
Trong năm 2025, dự kiến thành phố sẽ giải ngân lên tới 100.000 tỷ đồng, bao gồm khoảng 85.000 tỷ đồng vốn của năm 2025 (cả vốn trung ương và địa phương) cùng với khoảng 20% vốn đầu tư công còn lại của năm 2024.
Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ phải có kế hoạch, Đề án cho giải ngân đầu tư công, không chỉ cho năm 2025 mà còn chuẩn bị cho trung hạn 2026-2030; trong đó, thành phố nêu rõ các giải pháp để chủ động giải ngân năm 2025 nhanh hơn, hoàn thành được trung hạn là 250.000 tỷ đồng.
Hiện Ủy ban Nhân dân thành phố đang hoàn hiện Đề án này và sẽ báo cáo vào cuối tháng./.
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải ngân vốn đầu tư công tăng nhanh trong tháng 12
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ từ ngày 4-7/12, giải ngân vốn đầu tư công tăng gần 10% là con số rất ý nghĩa, tạo cho thành phố niềm tin đạt chỉ tiêu giải ngân đạt 80% trong năm 2024.