Giải pháp chuyển đổi ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Quỹ Khí hậu xanh của Liên hợp quốc dự kiến sẽ tài trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện xây dựng Dự án Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào các tỉnh thượng nguồn
Giải pháp chuyển đổi ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Khối lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ còn khoảng 25-35% so với trước đây và tương lai sẽ dưới 10%.

Đây là cảnh báo được tiến sỹ Lê Minh Nhật, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai - Tổng Cục Phòng, Chống thiên tai, đưa ra tại Hội thảo tham vấn xây dựng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long” vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu Xanh.

Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức tại An Giang ngày 27/3.

Xói lở bờ sông gia tăng

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng thời gian qua đã có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, nông lâm, ngư nghiệp của cả nước và cải thiện sinh kế của người dân trong vùng.

Trong tám mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đến năm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như tôm, cá tra, trái cây, lúa gạo và rau củ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ đối mặt với nhiều thách thức như xói lở bờ sông, khô hạn và lũ cao bất thường...

[Cảnh báo vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể chìm hoàn toàn]

Theo tiến sỹ Lê Minh Nhật, hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên tình trạng xói lở bờ sông ngày càng tăng cả về phạm vi và qui mô với 513 vị trí xói lở bờ sông với tổng chiều dài 520km.

Toàn vùng cũng có 143 điểm với tổng chiều dài 98km có nguy cơ xói lở và 346 điểm với tổng chiều dài 357km xói lở thông thường.

Tiến sỹ Lê Minh Nhật cho biết hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện 24 điểm xói lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 65km, cần xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Điển hình, xói lở nguy hiểm xuất hiện ở khu vực sông Tiền như xã Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp; sông Vàm Nao khu vực xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới,tỉnh An Giang; sông Bò Ót thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, Cần Thơ; sông Cổ Chiên khu vực xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh...

Nguyên nhân xói lở bờ sông theo tiến sỹ Lê Minh Nhật là do xây dựng, san lấp, lấn chiếm mặt bằng; xây dựng đê bao làm dòng chảy tập trung vào lòng dẫn làm gia tang xói lở.

Bên cạnh xói lở bờ sông, Phó Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên ti Lê Minh Nhật cũng cảnh báo hiện khối lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ còn khoảng 25-35% so với trước đây khi hàng loạt các đập thuỷ điện trên dòng sông Mekong được Trung Quốc, Lào, Campuchia xây dựng và trong tương lai phù sa về sẽ chỉ còn dưới 10%.

Khô hạn, lũ cao thấp bất thường

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ với khoảng 500.000ha, chiếm khoảng 20% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng với thế mạnh là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái của cả vùng và cả nước. Với lợi thế giáp biên giới thượng nguồn Campuchia, có lợi thế về nguồn nước cho sản xuất và dân sinh nhưng, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sinh kế cho người dân.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bốn tỉnh trong tiểu vùng đối mặt với khô hạn, lũ cao thấp bất thường. Chẳng hạn năm 2016 tiểu vùng đối mặt với thực trạng khô hạn, xâm nhập mặt, mưa trái mùa. Năm 2018, lũ đến và đi nhanh gây mất cân đối lịch thời vụ, ảnh hưởng đến sinh kế và dân sinh của ngươi dân tiểu vùng.

Theo ông Lâm, trong thâm canh lúa, phù sa vào bên trong đồng ruộng hạn chế khiến gia tăng chi phí canh tác, giảm lợi nhuận trong canh tác lúa. Hệ thống đê bao khép kính ảnh hưởng đến hệ thống thuỷ văn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng đến không gian hấp thu và trữ lũ của vùng tứ giác Long Xuyên vào mùa lũ...

“Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên hiện đang đối mặt với hiện tượng sụt lún đất, nguồn tài nguyên thuỷ sản tự nhiên bị suy giảm, mất cân bằng đa đạng sinh học đất ngập nước; một số khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước còn lại diện tích nhỏ và rời rạc, thiếu những hành lang kết nối với nhau,” ông Lâm nói thêm.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên còn đối mặt với thách thức về thị trường, khi cơ sở hạ tầng và logistic cho sản phẩm nông nghiệp còn bị cắt khúc.

Các địa phương trong vùng còn thiếu liên kết và hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng. Mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, cá tra, tôm, rau màu... còn hạn chế và đầu ra chủ yếu bán sản phẩm thô, khả năng cạnh tranh kém và chưa có thương hiệu mang “tên tuổi vùng miền.”

Đặc biệt, các tỉnh trong tiểu vùng còn bị trùng lập về sản phẩm và cạnh tranh lẫn nhau trong vùng là không cần thiết; thiếu kết nối về cơ sở hạ tầng, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản, hàng hóa; hệ thống đường thuỷ, đường bộ chưa kết nối thông suốt trong nội bộ từng tỉnh và trong toàn vùng làm gia tăng thời gian vận chuyển nông sản đến thị trường dẫn đến tỷ lệ hao tổn thất cao và tăng chi phí vận chuyển...

Phát triển hài hoà với thiên nhiên

Để hạn chế xói lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nói chung các chuyên gia cho rằng các tỉnh cần có kế hoạch quản lý bờ sông toàn diện và kế hoạch sử dụng đất cho các hành lang bờ sông.

Các chuyên gia khuyến khích các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên học tập kinh nghiệm của tỉnh An Giang trong việc xử lý thành công xói lở bờ sông ở thành phố Long Xuyên khi khu vực đô thị tỉnh An Giang đã có giải pháp công trình và tạo không gian cho thoát lũ. Đồng thời, xử lý tái sử dụng bùn cát và xây dựng hệ thống giám sát lòng sông.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho rằng, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên từ xưa đến nay đảm nhận chức năng là vùng là đón nhận lũ và tiêu thoát lũ ra biển Tây. Vì vậy, phát triển tiểu vùng phải hài hoà với thiên nhiên, đảm bảo sinh kế cho người dân và các hạ tầng về giao thông, thủy lợi phải tương thích với điều kiện hệ sinh thái của tiểu vùng...

Theo ông Thư, để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên cần có sự chuyển mình theo những định hướng chiến lược của Trung ương đã đề ra. Đó là, Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng chính phủ về “Ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020” và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về “Phát triển bền vững Đồng bằng song Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu;” trong đó, đề ra các giải pháp thuận theo tự nhiên để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp chuyển đổi ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 2Bà Anjali Acharya, Chuyên viên cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Bà Anjali Acharya, Chuyên viên cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới, cho biết Quỹ Khí hậu xanh (CGF) của Liên hợp quốc dự kiến sẽ tài trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện xây dựng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long” tập trung vào các tỉnh thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là ở các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Dự án gồm ba hợp phần nhằm hỗ trợ thực hiện các chính sách liên quan đến tính chống chịu khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long; nhân rộng tính chống chịu với biến đổi khí hậu cho các dự án liên tỉnh và quản lý và giám sát dự án. Qua đó, để phục hồi chức năng hệ sinh thái vùng lũ, nhằm hấp thụ nước, cũng như giảm quá trình xâm nhập mặn từ hạ nguồn. Đồng thời, dự án xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ để tăng cường chuỗi giá trị loại hình nông nghiệp dựa vào mùa lũ và các giải pháp dựa vào tự nhiên sống chung với lũ tại vùng thượng nguồn...

Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long” là một phần của Chương trình đa quốc gia bao gồm Việt Nam và Campuchia nhằm tăng cường cách tiếp cận tổng hợp về không gian trên khắp vùng Đồng bằng sông Mekong ở hai quốc gia này để tăng khả năng chống chịu khí hậu, xác định khoản đầu tư đổi mới cho những giải pháp dựa vào tự nhiên, góp phần vào sự chuyển đổi mô hình trong phát triển thích ứng với rủi ro khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục